Trồng tre lấy măng là một ngành có thị trường tiềm năng và có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình sống trong vùng đệm của rừng phòng hộ. Vì tre thường mọc tự nhiên trong rừng, nên việc trồng măng không cần đầu tư vốn lớn, hay đòi hỏi người nông dân phải thường xuyên chăm sóc.
Chế biến măng để xuất khẩu
Bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Phó Cố vấn trưởng của Dự án GREAT cho biết, hiện vẫn có những hạn chế về tăng trưởng của nghề trồng măng và thu nhập của các hộ dân tộc thiểu số.
Sản phẩm măng tre ở Vân Hồ được xây dựng theo chuỗi giá trị. |
Thứ nhất, quy mô sản xuất nhỏ, kém hiệu quả, công nghệ sơ chế lạc hậu ở quy mô hộ gia đình. Thứ hai, phương thức sản xuất truyền thống không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và sự liên kết giữa người sản xuất với người mua còn kém, do đó măng thường được bán với giá thấp cho các thương lái địa phương. Thứ ba, nếu không được quản lý hợp lý, việc trồng tre rừng về lâu dài sẽ không bền vững. Việc thu hoạch và sơ chế măng cũng tốn nhiều công sức, tạo gánh nặng cho phụ nữ. Trong hộ gia đình, mặc dù phụ nữ là người kiếm được thu nhập từ tre, nhưng nam giới lại thường là người đưa ra các quyết định tài chính lớn.
Dự án GREAT do Chính phủ Australia tài trợ đang hợp tác với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Ban quản lý Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn để phát triển ngành măng và nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số sống tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Mục tiêu của Dự án sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1.800 phụ nữ, bao gồm phụ nữ dân tộc Dao ở Văn Bàn và phụ nữ dân tộc Thái, Mường, Mông ở Vân Hồ.
Đến huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chúng tôi được "mục sở thị" nhà máy chế biến măng mới xây dựng tại bản Tưn, xã Xuân Nha, là kết quả từ sự liên kết giữa HTX Măng sạch Xuân Nha và Công ty Yên Thành. Nhà máy rộng 400m2, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại để chế biến măng xuất khẩu sang Đài Loan.
Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX Măng sạch Xuân Nha cho biết, xã Xuân Nha có những rừng tre rất lớn, trên 90% số hộ trong xã kiếm sống bằng nghề thu mua măng tre. Qua nhiều thế hệ, người dân bán măng thu hoạch được cho thương lái, sau đó thương lái bán cho các chợ đầu mối ở các tỉnh lân cận và các công ty chế biến khác. Do trước đây người dân bán măng dưới dạng nguyên liệu, nên giá cả và giá trị thấp, thu nhập bấp bênh.
“Tham gia Dự án GREAT do CRED thực hiện, tôi được giới thiệu dự án măng từ tháng 5/2019. Dự án hỗ trợ chúng tôi thiết lập HTX, sau đó thông qua CRED, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ với Công ty Yên Thành và thăm chuỗi cung ứng măng của họ tại Yên Bái cũng như thảo luận về tiềm năng nhân rộng mô hình tại các xã của huyện Vân Hồ. Công ty Yên Thành cam kết thu mua toàn bộ số măng của bà con với giá cao hơn thị trường 20%. Công ty cũng hướng dẫn cho nông dân công nghệ chế biến măng để bán cho họ với giá cao hơn. Hiện nay, Công ty đã cam kết thu mua măng của chúng tôi với giá 5.000 - 5.500 đồng/kg, tùy theo chất lượng”, chị Nguyễn cho hay.
Hiện, HTX Măng sạch Xuân Nha đã trồng thử nghiệm 100 ha măng Bát Độ để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu. Nhà máy chế biến của HTX có công suất đáp ứng nguồn cung từ vùng trồng măng tre rộng 1.000 ha. Công ty Yên Thành đã ký thỏa thuận hợp tác với HTX để thu mua toàn bộ măng tre đã qua chế biến trong vòng 20 năm tới. Thỏa thuận mua bán này mang lại cho HTX non trẻ sự tự tin cần thiết để phát triển hoạt động kinh doanh.
Trong thỏa thuận này, Công ty Yên Thành cam kết hỗ trợ 70% tiền giống để mua nguyên liệu và chuyển giao công nghệ chế biến cho HTX. Năm 2020, Công ty đã thu mua 30 tấn măng chế biến từ HTX Măng sạch Xuân Nha để xuất khẩu sang Đài Loan với giá trị lên tới 780 triệu đồng. Với 13 hộ thành viên ban đầu, HTX dự kiến sẽ mở rộng thêm nhiều hộ trong những năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của Công ty Yên Thành lên đến 20.000 tấn mỗi năm.
Hình thành 2 HTX và 9 tổ hợp tác
Tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), Dự án GREAT cũng đã hỗ trợ thành lập HTX và nhiều tổ hợp tác, các liên kết thị trường với công ty chế biến măng cũng được hình thành với những hợp đồng thu mua dài hạn. Đến nay, thu nhập bình quân của các hộ tham gia đã tăng 21% kể từ khi bắt đầu dự án. Trung tâm CRED đã giới thiệu cho các hộ gia đình công nghệ sơ chế măng mới giảm 90% nhiên liệu và thời gian luộc măng từ 12 giờ xuống còn 2 giờ.
Dự án GREAT cũng đang hỗ trợ đào tạo về chất lượng giới cho cả nam và nữ nhằm thúc đẩy việc ra quyết định chung và chia sẻ khối lượng công việc. Các buổi tập huấn nâng cao năng lực của các HTX do phụ nữ lãnh đạo trong việc trồng măng hữu cơ và vận động cho các chính sách quản lý măng bền vững liên tục được tổ chức.
Chị Lò Thị Nguyễn và sản phẩm măng tre. |
Đến nay, nhờ Dự án GREAT, tại 2 huyện Vân Hồ và huyện Văn Bàn đã hình thành 9 tổ hợp tác và 2 HTX sản xuất măng. Điều đặc biệt, trong số này có 7 tổ hợp tác và 2 HTX là do phụ nữ lãnh đạo. Cùng với đó, đã có 2 hợp đồng thu mua được ký với các công ty chế biến lớn là Kim Bôi và Yên Thành, đảm bảo giá tiêu chuẩn tăng 20%. Đã có 3 cơ sở chế biến của 2 HTX và 1 tổ hợp tác áp dụng các công nghệ mới như máy sấy tiết kiệm năng lượng và nhà sấy năng lượng mặt trời. Những sáng kiến này giúp tạo ra các sản phẩm tươi và khô có giá trị gia tăng cho xuất khẩu và các nhà bán lẻ trong nước như Big C, Vin Mart và Coop Mart. Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho 300 ha rừng măng đang mở ra thị trường mới và giúp xây dựng thương hiệu mạnh cho Măng Vân Hồ.
Tại Sơn La, chính quyền địa phương từ Kiểm lâm và UBND 3 xã cũng như huyện Vân Hồ đã đưa ra các chính sách làm rõ vị trí của rừng sản xuất và khu vực cho các cơ sở chế biến, giúp bảo vệ môi trường và đang hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cả từ các công ty tư nhân và các hộ gia đình địa phương.
Tại Lào Cai, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn tập trung vào vận động chính sách quản lý sản xuất măng bền vững. Thông qua các hoạt động của dự án, CRED cũng giới thiệu các công cụ sản xuất mới giúp tiết kiệm nhiên liệu và nhân công trong sơ chế măng, trực tiếp giải quyết vấn đề về gánh nặng thời gian đối với phụ nữ và tổ chức các khóa tập huấn về bình đằng giới cho cả nam và nữ.
Những dự án này cũng giúp cộng đồng chuyển đổi canh tác sang trồng măng tre chứ không chỉ phụ thuộc vào thu hái trong rừng. Các hỗ trợ bao gồm đào tạo người nông dân về phương thức canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ và nâng cao năng lực cho các HTX trồng măng hữu cơ, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nhằm đảm bảo nguồn thu nhập bền vững sau này.
Chu Minh
Bài 3: Dệt ước mơ từ cây gai xanh