Tân Trụ là huyện được bao bọc bởi hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, với hệ thống kênh ngòi rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Với lợi thế sẵn có, cùng nguồn nhân lực dồi dào, những năm qua, huyện đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Gia tăng lợi nhuận
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ, cây thanh long bắt đầu được trồng nhiều trên địa bàn huyện Tân Trụ cách đây 4 – 5 năm, tập trung chủ yếu ở các xã Đức Tân, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Mỹ Bình,...
Các mô hình trồng thanh long ở Tân Trụ đang cho giá trị kinh tế cao (Ảnh TL). |
Sau gần 5 năm phát triển, mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Ngô Văn Nhẫn, thành viên tổ hợp tác xã Bình Tịnh, đang cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Nhẫn cho biết, gia đình có hơn 1,5 ha trồng thanh long ruột đỏ, đang trong thời kỳ cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao nhất. Để nâng cao giá trị sản xuất, ông đã chủ động ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quá trình canh tác.
Điển hình, cách đây 3 năm, ông Nhẫn đầu tư gần 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tưới tự động, giúp tiết kiệm gần 40% chi phí, đồng thời góp phần tiết kiệm nước, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong quá trình canh tác, để nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Nhẫn loại bỏ hóa chất độc hại để thay thế bằng các loại phân vi sinh, hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường. Hiện, 100% diện tích thanh long của gia đình ông đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP.
“Với sự đồng hành của tổ hợp tác và ban, ngành địa phương, mô hình trồng thanh long của gia đình tôi phát triển ổn định, giá bán bình quân đạt 27 – 35 nghìn đồng/kg, giá trị kinh tế trung bình năm đạt trên 250 triệu đồng/ha”, ông Nhẫn hồ hởi nói.
Cũng có được thành công với cây thanh long, ông Nguyễn Văn Chiến, thành viên HTX thanh long Mỹ Bình, xã Mỹ Bình, cho hay trong 3 năm qua, dù thị trường đôi khi gặp khó, song giá thanh long chất lượng cao vẫn khá ổn định.
Chỉ cần giữ mức giá dao động bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg thanh long ruột trắng và 55.000 - 60.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, nhà vườn sẽ có lãi cao.
Phát triển đúng hướng
Ông Hoàng Đình Thượng, Giám đốc HTX thanh long Mỹ Bình, cho biết: “Trong bối cảnh sản lượng thanh long cả nước ngày càng lớn, những năm qua, HTX chủ động chuyển từ lượng sang chất bằng cách đầu tư mạnh cho công nghệ cao, phát triển sản xuất sạch, thân thiện môi trường”.
Thời gian tới, huyện sẽ chủ động siết lại quy hoạch để đảm bảo tính bền vững của mô hình (Ảnh TL). |
Cụ thể, HTX Mỹ Bình đã tích cực chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn thành viên canh tác theo quy trình VietGAP, loại bỏ hóa chất độc hại, sử dụng phân bón vi sinh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề ký kết các hợp đồng tiêu thụ cố định, ổn định giá bán.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ, kể từ năm 2018, huyện đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trồng thanh long theo hướng VietGAP, bằng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ tưới phun kết hợp tưới nhỏ giọt.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 HTX và 2 tổ hợp tác xây dựng thành công chuỗi liên kết trồng thanh long, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp uy tín, mang lại giá trị kinh tế cao cho thành viên.
Thời gian tới, để bảo đảm cho nông dân sản xuất hiệu quả, huyện sẽ tích cực phối hợp các xã nắm lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi để xây dựng các phương án hỗ trợ, vận động thành lập tổ hợp tác, HTX. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP để bảo đảm các tiêu chuẩn đầu ra, nâng cao giá bán.
Hưng Nguyên