Doanh nghiệp | Thứ sáu, 5/8/2022 | 08:25 GMT+7
0 |

Đã đến lúc xây dựng riêng một đạo Luật Kinh tế tuần hoàn

Theo ước tính của tổ chức Accenture Strategy, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) có thể tạo ra lợi ích 4,5 nghìn tỷ USD ở quy mô toàn cầu từ 2015 đến 2030 và có khả năng tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới, bền vững. Tại Việt Nam, để có thể tận dụng được những cơ hội này, có lẽ đã đến lúc cần xây dựng riêng một đạo Luật KTTH.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương phát triển KTTH là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tới năm 2030. Đây là một chủ trương phù hợp với xu thế toàn cầu và sự phát triển tất yếu của thời đại.

Lan tỏa mô hình KTTH

Tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/8, các đại biểu đã được “mục sở thị” nhiều cách làm, mô hình hay cần lan tỏa về thực hiện KTTH. Một trong những gian hàng được nhiều người quan tâm là của Nestlé Việt Nam.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê của Nestlé Việt Nam

Theo người đại diện của doanh nghiệp này chia sẻ, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã tham gia chia sẻ các sáng kiến về sản xuất theo mô hình KTTH tại Triển lãm ngành môi trường.

Theo đó, Nestlé Việt Nam đã giới thiệu 2 sáng kiến trong nhóm 4 hoạt động trọng tâm nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của tập đoàn cũng như của Nestlé Việt Nam. Bao gồm mô hình KTTH trong sản xuất cà phê và việc tiên phong thay thế 100% ống hút nhựa bằng ống hút giấy đối với các sản phẩm uống liền có sử dụng ống hút.

Riêng với mô hình sản xuất cà phê tuần hoàn, Nestlé góp phần giảm thiểu phát thải trung bình 12.679 tấn CO2/năm và sử dụng 100% năng lượng sinh khối từ bã cà phê thay thế cho 74.4% nguồn nhiên liệu từ dầu DO làm chất đốt để vận hành lò hơi.

Bên cạnh đó, với sáng kiến sử dụng bao bì bền vững, riêng việc chuyển đổi 100% ống hút nhựa sang ống hút giấy có chứng chỉ FSC đã giúp giảm khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Nhằm tạo thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, đặc biệt là trong giới trẻ, Nestlé còn tích cực hợp tác với các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa”, giúp kêu gọi hàng triệu người Việt Nam chung tay hành động vì một sân chơi Việt Nam xanh.

Một ví dụ khác là nhà máy Heineken Việt Nam, mô hình KTTH cũng được áp dụng triệt để. Theo đó, tại nhà máy, phụ phẩm bã bia sau quá trình sản xuất được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Nước thải cũng được xử lý triệt để, có thể dùng để tưới cây hoặc nuôi cá.

Đối với năng lượng sử dụng trong nhà máy, Heineken thành lập đơn vị thứ ba mua lại vỏ trấu, mùn cưa, xử lý để tạo ra nhiên liệu sinh khối.

Đối với các loại bao bì như vỏ lon, vỏ chai, nắp chai, két bia, Heineken tiến hành thu gom trực tiếp tại hàng quán, siêu thị để tiến hành tái chế, tái sử dụng. Riêng nắp chai được công ty thu gom, xử lý thành thép để xây những cây cầu tại các địa phương còn khó khăn như Tiền Giang, An Giang.

Trên thực tế, mô hình KTTH đã được thực hiện tại Việt Nam, nhưng chủ yếu mới tập trung ở các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia. Còn tại các doanh nghiệp Việt Nam, dường như vấn đề này vẫn chưa được nhắc tới nhiều.

Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH

Trước đó, tại Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện KTTH được tổ chức vào cuối tháng Sáu vừa qua, một lần nữa câu chuyện KTTH lại thu hút được sự quan tâm của nhiều giới. Tại đây, nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm thúc đây việc thực hiện KTTH tại Việt Nam, các yêu cầu được đặt ra gồm: hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KTTH, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Sự khác nhau giữa mô hình Kinh tế tuyến tính và Kinh tế tuần hoàn.

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sẽ được xây dựng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các tiên tiến trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu và mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, đóng góp sáng kiến, giải pháp cho xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH của Việt Nam và sớm có mô hình thành công về phát triển KTTH ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Làm sao để KTTH đóng góp vào mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.

“Yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho KTTH, việc xây dựng riêng một đạo Luật KTTH là cần thiết.

Trao đổi với Vnbusiness, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, Việt Nam cũng đã có những nội dung chính sách liên quan đến KTTH trong một số bộ luật hiện hành.

“Tuy nhiên, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho KTTH có thể "cất cánh", việc xây dựng riêng một bộ Luật KTTH là cần thiết, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH”, ông Vinh nói.

Trang bị tư duy "chuyển đổi hệ thống"

Trên thực tế, để chuyển dịch sang mô hình KTTH cần sự chuyển đổi hệ thống toàn diện. Điều đó cũng có nghĩa những nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật KTTH cũng cần trang bị một tư duy "chuyển đổi hệ thống" bao quát và toàn diện, từ đó mới có thể tiếp cận và triển khai KTTH thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để chuyển dịch sang mô hình KTTH, cần lưu ý đặt yếu tố con người là trung tâm của Luật, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trên lộ trình chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới.

Ngoài ra, KTTH vẫn còn là một mô hình rất mới trên phạm vi toàn cầu, mới chỉ có một số quốc gia bắt đầu thực hiện. Đơn cử, Năm 2009, Luật Thúc đẩy KTTH đi vào hiệu lực tại Trung Quốc. Năm 2012, Đạo luật KTTH đã được thông qua tại Đức.

Năm 2016, Phần Lan ban hành Lộ trình tiến tới Nền KTTH giai đoạn 2016 – 2025. Gần đây nhất, Pháp cũng đã thông qua Luật Phi phát thải (Anti-waste Law) vào năm 2020, hướng đến việc chuyển dịch thành công sang mô hình KTTH.

“Chúng ta sẽ cần nghiên cứu, tham khảo và học tập các kinh nghiệm xây dựng luật, đưa luật vào thực tiễn của các nước đang triển khai, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cụ thể trong nước”, ông Vinh nói.

Theo tìm hiểu của Vnbusiness, hiện nay việc thực hiện mô hình KTTH trong doanh nghiệp, HTX còn hạn chế, năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp; khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cũng ứng, sản xuất theo mô hình KTTH còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.

Việc áp dụng rộng rãi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị cả về kinh tế và môi trường.

Thực tế, đã có nhiều mô hình của kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp nói chung và trong khu vực kinh tế HTX nói riêng như: Mô hình Vườn-Ao-Chuồng (VAC) và biến thể Vườn-Ao-Chuồng-Biogas (VACB), Vườn-Ao-Chuồng-Rừng (VACR) - mô hình kết hợp giữa VAC với hoạt động lâm nghiệp tại các tỉnh miền núi và Vườn-Ao-Hồ (VAH) - mô hình trang trại trên cát tại các tỉnh miền trung đã không chỉ giúp giảm phát thải mà còn đem lại thu nhập tốt cho người dân.

Tuy nhiên, như đã nói, mô hình KTTH ở Việt Nam mới chỉ được các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia quan tâm, còn ở các doanh nghiệp trong nước,  khu vực HTX... việc thực hiện các mô hình KTTH cũng mới chỉ ở dạng sơ khai, chưa phát huy được hết giá trị của KTTH. Điều này cũng không khó hiểu bởi hiện chưa có những quy định, chính sách rõ ràng về câu chuyện này. Phần lớn các doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình KTTH vẫn chỉ ở dạng tự phát, thấy có lợi thì thực hiện chứ chưa có sự đầu tư, nghiên cứu bài bản.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc Gia TP. HCM cho rằng, cần có hành lang pháp lý đầy đủ cho sự hình thành và phát triển mô hình KTTH. Đặc biệt, về tài chính cần có chính sách ưu đãi cho vay vốn để đổi mới công nghệ, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, chú trọng công nghiệp tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời có chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi thuế khi thực hiện phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bởi vậy, khi có Luật KTTH sẽ tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, hướng đến việc tạo môi trường, cơ chế ưu đãi phù hợp để doanh nghiệp, HTX có động lực nâng cao nhận thức, từng bước đầu tư và phát triển năng lực chuyển đổi, phát triển sản xuất theo mô hình KTTH phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng các yêu cầu của xu thế phát triển mới trên thế giới.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cũng nên cân nhắc việc lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình KTTH, đề ra lộ trình thích hợp với các chỉ tiêu cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Đức Anh

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu