Như bao thanh niên khác, anh Lương Thanh Tùng 24 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), luôn mong muốn làm giàu từ mảnh đất quê hương. Mơ ước của anh là tiếp tục nối nghiệp cha ông, đưa nghề rèn truyền thống của quê nhà vươn xa.
Thiếu vốn, thiếu liên kết
Với ý tưởng này, năm 2019, anh Tùng và các thanh niên cùng chí hướng đã thành lập HTX dao Phúc Sen Hà Khiêm. Tuy đã có nghề, có sản phẩm tốt, nhưng với người trẻ mới khởi nghiệp chưa có đối tác, sản phẩm bế tắc trong việc tìm đầu ra. Đặc biệt, HTX lao đao về vốn, nên anh Tùng và các thành viên trong HTX vừa làm, vừa tìm cách quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn trang mạng xã hội, vừa kêu gọi vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, sản phẩm ban đầu chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống rất khó thu hút người mua. Phải sau gần 2 năm thành lập, HTX mới bước đầu hoạt động ổn định.
“Hai vấn đề khó khăn trên là bài học lớn đối với HTX và cũng là khó khăn của đa số các HTX thanh niên khởi nghiệp lúc ban đầu”, anh Tùng chia sẻ.
Nhờ bí quyết rèn độc đáo mà sản phẩm của HTX dao Phúc Sen Hà Khiêm luôn thu hút khách là người DTTS mua sắm. |
Tại tỉnh Hà Giang, phong trào khởi nghiệp được triển khai những năm qua đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Hiện, Hà Giang có hơn 60 mô hình thanh niên phát triển kinh tế được duy trì hoạt động hiệu quả. Song, đa số các HTX và tổ hợp tác thanh niên khởi nghiệp quy mô nhỏ, chưa có tính liên kết; thiếu thông tin về thị trường… nên hoạt động dù có hiệu quả những cũng rất chật vật và chậm phát triển.
Chị Thào Thu Nga, Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc cho biết, nhìn chung các mô hình HTX hoạt động kém hiệu quả, là do trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, chưa có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ dành cho chương trình khởi nghiệp hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên. Như tại địa phương, hàng năm, số lượng đăng ký đủ tiêu chuẩn từ 5 - 8 mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp, nhưng số lượng mô hình được hỗ trợ chỉ được từ 1 - 2 mô hình…
Cần những giải pháp đồng bộ
Hiện nay, có khá nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, để vay được vốn khởi nghiệp rất khó khăn, do phần lớn thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ đã được vay nguồn vốn từ các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chưa kể, quy định về điều kiện được vay vốn phải là hộ nghèo, cận nghèo đã phần nào hạn chế đối tượng vay...
Chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, HTX thành lập tháng 10/2017 với 8 thành viên đều là người dân tộc Cờ Lao. Ngành nghề chính của HTX là trồng trọt, chế biến nông sản và thương mại, với các sản phẩm chính như: Mật ong hoa Bạc hà, thịt treo gác bếp, rau quả an toàn. HTX được thành lập nhằm mục tiêu hợp tác, tương trợ trong sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chung của các thành viên về kinh tế và đời sống; phục vụ, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Lưu Thị Hòa (thứ 2 từ bên trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng khách hàng tại hội chợ nông sản. |
Hằng năm, HTX giúp người dân tiêu thụ hàng chục tấn hoa quả địa phương như: lê, đào; rau bắp cải trái vụ; hàng trăm lít mật ong Bạc hà…; quy mô trang trại liên kết được mở rộng lên đến 2.700 m2, trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất được chú trọng đầu tư. HTX cũng duy trì 2 cửa hàng hoạt động kinh doanh ổn định tại Hà Nội. Đây là nơi trưng bày và giới thiệu, kết nối các sản phẩm Hà Giang đến với khách hàng. Đồng thời, HTX triển khai bán hàng theo hình thức bán hàng, liên kết bán hàng tại các gian hàng cố định: Gian hàng trưng bày sản phẩm tại thị trấn Đồng Văn và 192 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. Bên cạnh đó còn có gian hàng trưng bày các sản phẩm địa phương tại nhiều địa điểm trên cả nước như: Phố cổ, thị trấn Đồng Văn và Cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú (Đồng Văn); cửa hàng thực phẩm sạch An Mộc, Hải Phòng; cửa hàng thực phẩm sạch Vũ Mai, Đà Nẵng; phiên chợ xanh tử tế, TP.HCM. HTX cũng triển khai bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử: Voso, Sendo, Postmart, Shopee…
Bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả, HTX Po Mỷ còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều vùng miền để tham khảo thị trường và hoàn thiện sản phẩm như: Tuần lễ Cam sành và quà tặng Noel năm 2017, Hội chợ Liên minh HTX các tỉnh Đông Bắc tại Hà Giang; Triển lãm OCOP tại Quảng Ninh; Hội chợ giới thiệu sản phầm địa phương của Liên minh HTX Việt Nam tại Hà Nội; các hội nghị triển lãm trong và ngoài nước. Hiện, HTX có doanh thu ổn định với khoảng 2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 5 lao động thời vụ.
Dù hoạt động khá hiệu quả nhưng chị Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, các HTX ở vùng DTTS đang gặp phải những khó khăn chung như, thiếu vốn để mở rộng phát triển sản xuất, thiếu các mô hình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, thiếu sự liên kết tiêu thụ sản phẩm... nên ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, các tỉnh miền núi phía Bắc gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn... có 1.600 HTX vùng đồng bào dân tộc miền núi với gần 322 nghìn thành viên, vốn điều lệ hơn 323 tỷ, doanh thu bình quân đạt 1 tỷ 83 triệu đồng/HTX. Đáng chú ý, trong số 1.600 HTX vùng đồng bào dân tộc thì có gần 50% HTX do thành niên thành lập, quản lý vào điều hành.
Các HTX do thành niên làm chủ thường hoạt động có hiệu quả cao hơn so với các HTX do phụ nữ hoặc người lớn tuổi điều hành. Nguyên nhân là các cán bộ quản lý, điều hành HTX là thanh niên phần lớn là người có trình độ, được đào tạo bài bản, có tư duy quản lý, điều hành, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, do các HTX trong vùng dân tộc thường khó khăn về điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng, vốn, trình độ không đồng đều, lại hạn chế về khoa học công nghệ (KHCN) nên chưa thực sự hiệu quả như mong đợi như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Để giúp các HTX do thanh niên DTTS vươn lên, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Liên minh HTX Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các thành viên HTX về một số kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt; một số sản phẩm thế mạnh của vùng, chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Từ hoạt động này đã góp phần nâng cao các kiến thức về KHCN, nắm bắt tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ năng khởi nghiệp để phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm triển khai các mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên. Qua các hoạt động trợ giúp như vậy đã xuất hiện hàng trăm mô hình HTX thanh niên khởi nghiệp được nhân rộng góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của thanh niên, tạo ra nhiều nông sản OCOP có chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt là chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Chính phủ, của Liên minh HTX Việt Nam đã phần nào "cởi trói" cho thanh niên vùng dân tộc, qua đó đã khơi dậy tỉnh thần khởi nghiệp, khát vọng vươn lên. Cũng từ đó chắc chắn sẽ có nhiều hơn những điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên và người lao động địa phương. Đây cũng chính là động lực cổ vũ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở các địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phương Nam