Từ một vùng đất hoang hóa, các thành viên HTX Thượng Phú đã cải tạo, đầu tư thành một khu trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
Đầu tư bài bản
Khi mới thành lập, HTX bắt tay vào chăn nuôi lợn tập trung trên diện tích 4 ha trên vùng sườn đồi hoang hóa của xã Hồng Lộc. Để bắt tay xây dựng mô hình, bước đầu, HTX huy động mỗi thành viên khoảng 400 triệu đồng tiền vốn.
Với số vốn ban đầu phải bỏ ra là 1 tỷ 600 triệu đồng, HTX xây dựng các hạng mục như hệ thống chuồng trại, điện, nước, nhà điều hành... đồng thời liên kết với một doanh nghiệp thực hiện cung ứng con giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
HTX thực hiện chăn nuôi lợn sạch khép kín và không sử dụng chất kháng sinh. Trong quá trình nuôi, thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới như: hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ... để xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Đến nay, HTX đã có một khu chăn nuôi lợn với hai chuồng nuôi công suất 2.500 con lợn thương phẩm mỗi lứa.
Khu vực chăn nuôi bò của HTX Thượng Phú. |
Để cho HTX vững bước đi lên và mở rộng quy mô, sau 2 năm thành lập, HTX đã vận động thêm 3 người khác cùng tham gia góp vốn vào HTX, nâng tổng số thành viên lên 7 người.
Đến thời điểm này, các thành viên đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi theo mô hình tổng hợp. Ngoài khu vực chăn nuôi lợn, HTX còn thực hiện đào ao thả cá, nuôi thêm gà vịt, gia cầm, chăn nuôi bò nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế cho các thành viên và người lao động.
Với khởi đầu từ 50 con bò nái, theo tính toán của HTX, chỉ sau một năm rưỡi (kể từ khi thả giống), HTX sẽ có 50 bê con.
Giá bán bê là khoảng 25 triệu đồng/con (4 tháng tuổi), còn nếu để lại nuôi tiếp thì 18 tháng sau sẽ bán được 55-60 triệu đồng/con. Như vậy, chỉ khoảng sau 2 năm, HTX thu hồi được chi phí đầu tư và bắt đầu có lãi. Qua đó không chỉ giúp các thành viên làm giàu mà còn hỗ trợ cho người nuôi bò trên địa bàn.
Để thuận tiện cho sản xuất, HTX trồng thêm cỏ voi. Chất thải từ quá trình chăn nuôi được tận dụng để ủ thành phân hữu cơ bón cho cỏ và diện tích lúa, ngô lấy nguyên liệu cho lợn, bò, gà ăn kết hợp với cám công nghiệp.
Nhờ chủ động trong sản xuất, trung bình mỗi năm, HTX có mức doanh thu 13-15 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho thành viên và 5 lao động thường xuyên. Năm 2021, dự kiến doanh thu của của HTX lên đến 17 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng. HTX Thượng Phú được coi là một trong những mô hình kinh tế tập thể có quy mô lớn nhất huyện và hoạt động hiệu quả, bền vững. Không ít hộ dân, HTX đã đến đây để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và được HTX sẵn sàng chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
HTX Thượng Phú ra đời là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xã Hồng Lộc hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, khi đi vào hoạt động, HTX đã được xã tạo điều kiện thuê đất phát triển kinh tế chăn nuôi tổng hợp.
Hồng Lộc vốn là một xã miền núi, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi HTX Thượng Phú thực hiện tận dụng đất đai hoang hóa, xây dựng mô hình kinh tế đã tạo động lực cho địa phương thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn mới khang trang có sự đóng góp không nhỏ của mô hình HTX. |
Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,7%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 94%. Xã đã hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới vào năm 2018 (sớm 2 năm so với kế hoạch) và đang thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nâng thu nhập bình quân đầu người lên 63 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của UBND xã Hồng Lộc, thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể đã và hoạt động hiệu quả theo Luật HTX 2012. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ làm giàu. Các HTX đã tạo ra những điểm nhấn và sự sinh động trong bức tranh kinh tế tập thể cũng như góp phần xây dựng các địa chỉ tin cậy để nhân dân học tập và mạnh dạn làm theo.
Tùng Lâm