Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/4.
Đây là phiên đấu thầu vàng thứ 2 sau phiên đầu tiên diễn ra vào sáng 23/4. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu trong phiên này tiếp tục là 16.800 lượng, tương đương 638 kg, tỷ lệ đặt cọc là 10%, bằng với phiên đấu thầu đầu tiên.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa là 2.000 lượng.
Ngân hàng Nhà nước phát thông báo đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng phiên thứ 2 vào ngày 25/4. |
Nhiều chuyên gia dự báo sau một thời gian dài tăng nóng, giá vàng thế giới đang đối mặt với điều chỉnh liên tục như hiện nay, rất ít công ty vàng có can đảm để "ôm" một lúc 1.400 lượng vàng.
"Trong phiên đấu thầu ngày mai, nếu Ngân hàng Nhà nước để mức giá tham chiếu bằng với phiên đấu thầu trước hoặc cao hơn sẽ khó thu hút được các doanh nghiệp, ngân hàng tham gia đấu giá. Các công ty vàng sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ, tối thiểu là 1.400 lượng", một chuyên gia cho hay.
Trước đó, trong phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, chỉ có 11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia dự thầu, kết quả có 2 đơn vị là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Ngân hàng ACB đã trúng thầu tổng cộng 3.400 lượng vàng miếng. Trong đó, có 2.000 lượng vàng SJC trúng thầu với giá cao nhất là 81,330 triệu đồng/lượng và 1.400 lượng trúng thầu bằng đúng giá sàn 81,320 triệu đồng/lượng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Tình trạng "ế" vàng cũng đã từng xảy ra trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên cách đây 11 năm (ngày 28/3/2013): có 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu và có đến 15 đơn vị bỏ phiếu trắng. Kết quả chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn, phiên đấu thầu này "ế" tới 24.000 lượng vàng.
Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại vào ngày 23/4/2024. Động thái can thiệp này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng mức giá tham chiếu trong phiên trước là 80,7 triệu đồng/lượng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tương đối cao, cũng là nguyên nhân chính khiến lượng vàng đấu thầu không bán được nhiều.
Chưa kể với mức giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, so với giá vàng thế giới cao hơn 10 triệu đồng/lượng. Nếu lấy giá này cộng với chênh lệch 2 triệu đồng/lượng giữa chiều mua và bán đang giao dịch trên thị trường thì giá bán vàng miếng SJC sẽ lên đến 83,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thị trường đang giao dịch cả triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng miếng SJC trong ngày 23/4 biến động mạnh, lao dốc 500 nghìn đồng/lượng trong phiên sáng rồi nhanh chóng đảo chiều tăng 1 triệu lên 83 triệu đồng/lượng. Đến sáng 24/4, giá vàng SJC tiếp tục phục hồi và lên 84 triệu đồng/lượng, chốt phiên giao dịch ngày 24/4, giá vàng miếng SJC đứng ở mức 82,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,5 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch giá mua – giá bán là 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước bật tăng từ chiều qua trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước không thông báo tổ chức đấu thầu bán vàng miếng vào hôm nay (24/4).
Thanh Hoa