Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM), Bí thư Quận ủy Quận 1 (Tp.HCM) đã chia sẻ về vấn đề này.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Tp.HCM), Bí thư Quận ủy Quận 1 (Tp.HCM) |
Mới đây, đại diện của Grab Việt Nam cho biết, đến nay, họ đã tạo ra công ăn việc làm cho 175.000 lao động là lái xe, bao gồm GrabCar và GrabBike. Tuy nhiên, thực tế những lái xe này không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động (cả trăm ngàn tài xế Grab không được đóng bảo hiểm xã hội). Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Quy định pháp luật nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là bảo vệ người lao động yếu thế, nhưng chính vì giữa Grab và người lao động không có quan hệ rõ ràng, do vậy, quyền lợi của người lao động đang không được bảo vệ nghiêm túc.
Câu chuyện đặt ra là khi người lao động thất nghiệp, ai sẽ là người bảo vệ cho họ; khi người lao động ốm đau, thai sản hoặc hết tuổi lao động, vấn đề an sinh thế nào?
Lo ngại hơn, thời gian gần đây, tài xế Grab bị giết hại, cướp giật, vậy ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động?
Nguyên nhân là do sau khi nhận chi trả chiết khấu từ Grab, người lao động không được bảo vệ bất cứ hành lang pháp lý nào, không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động.
Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, cơ quan nhà nước cần phải vào cuộc để bảo vệ cho người lao động yếu thế, nhanh chóng sửa đổi Luật Lao động năm 2012.
Grab có trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam không, thưa bà? Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nên những hệ luỵ như thế nào?
- Nếu Grab nói tạo việc làm cho người lao động thì trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người lao động là của họ. Họ cung cấp phần mềm cho người lao động, thu lợi nhuận từ phần mềm đó, họ phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay, họ đang bỏ ngỏ, đẩy trách nhiệm cho xã hội, cơ quan nhà nước. Đây là việc làm không đúng.
Thời gian tới, nếu người lao động cứ đổ xô đi làm lái xe, sinh viên dành thời gian rảnh rỗi nhiều nhất để kiếm thêm thu nhập từ nghề xe ôm chắc chắn sẽ gây nên mất cân bằng lao động và việc làm trong xã hội.
Việc xác định Grab là doanh nghiệp phần mềm hay kinh doanh vận tải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta phải phân định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời tạo công bằng giữa hai hình thức kinh doanh là taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Bên cạnh quyền lợi người lao động, còn những vấn đề bất cập nào đặt ra trong quản lý Grab, thưa bà? Cụ thể là câu chuyện công bằng giữa taxi công nghệ và truyền thống?
- Giai đoạn gần đây, việc khiếu nại giữa Vinasun và Grab đang gióng lên hồi chuông quản lý nhà nước.
Khi Grab vào đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) với một số vốn nhất định, trong vài năm số lỗ công bố lên gấp mấy lần số vốn ban đầu. Đây là vấn đề cơ quan nhà nước phải tính toán.
Cùng là kinh doanh vận tải nhưng Grab được xem là DN phần mềm công nghệ, trong khi DN taxi vận tải truyền thống phải đáp ứng nhiều quy định.
Sau nhiều lần bàn thảo để sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vẫn chưa được ban hành, "cuộc chiến" gữa Grab - Vinasun vẫn chưa có hồi kết. Bà có bình luận gì?
- Tôi khẳng định tiến trình xây dựng hành lang pháp lý để quản lý mô hình như Grab là quá chậm trong khi xã hội ngày càng tiến lên. Với sự phát triển của công nghệ 4.0, nếu cơ quan quản lý không theo kịp sẽ dẫn tới hệ lụy.
Nếu chúng ta kéo dài thời gian thí điểm DN công nghệ phần mềm sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển xã hội và DN kinh doanh trong cùng ngành nghề này.
Đáng lẽ ra sau khi tổng kết Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng (đề án thí điểm Uber, Grab), cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá, đưa ra chính sách kiểm soát kịp thời thì sẽ không có cuộc tranh chấp giữa Vinasun và Grab như bây giờ.
Xin cảm ơn bà!
Thy Lê (ghi)