Ở góc độ pháp lý xoay quanh vụ kiện giữa nguyên đơn là hãng taxi Vinasun với bị đơn là Grab đang được đưa ra xét xử tại TAND Tp.HCM, theo quan điểm cá nhân của luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cần phải nhìn nhận môi trường kinh doanh trước đây với môi trường kinh doanh hiện nay có nhiều thay đổi đối với loại hình taxi công nghệ.
Có vi phạm pháp luật?
"Vì vậy khi đặt vấn đề Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại hơn 42 tỷ đồng thì phải nói đến tính pháp lý liên quan đến việc Grab có vi phạm pháp luật ở Việt Nam hay không và vi phạm pháp luật đó đã được ai xử lý hay chưa?", luật sư Kính lưu ý.
Cũng theo ông Kính, nếu cáo buộc Grab vi phạm pháp luật thì phải có cơ quan nhà nước xác định vi phạm. Việc bồi thường thiệt hại đòi hỏi phải có sự vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, Bộ GTVT vẫn chưa có ý kiến gì, nghị định về kinh doanh vận tải thì đang xây dựng, và chưa có tòa án nào nói Grab vi phạm. Liệu việc kiện tụng như vậy có phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện nay?
Và không phải chỉ mình Grab hoạt động theo hình thức taxi công nghệ, mà trước đây còn có Uber. Dưới góc nhìn riêng, luật sư Kính nói rằng nếu như phía tòa án tuyên buộc Grab bồi thường thiệt hại thì những người bán hàng trên mạng internet cũng sẽ bị những người buôn bán truyền thống khởi kiện với lý do là họ không bán được hàng như bán trên mạng.
"Giữa thời đại 4.0 nhưng lại có suy nghĩ như thế thì rõ ràng là rất sai lầm. Sai lầm thứ nhất là về vấn đề kinh doanh. Sai lầm thứ hai là về quản lý kinh doanh. Và sai lầm thứ ba là sai lầm về pháp luật liên quan đến việc cạnh tranh trong kinh doanh", luật sư Kính nhấn mạnh.
Trước đó, Vinasun cáo buộc Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây mất việc làm cho 8.000 lao động và đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng. Vinasun cho rằng Grab làm giảm doanh số, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ GTVT, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Grab hoạt động như một doanh nghiệp (DN) vận tải.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) mới đây cũng đã gửi văn bản kiến kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về những bất hợp lý của loại hình vận tải công nghệ.
Grab có vi phạm pháp luật hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn |
Cần sớm quy định rõ
VATA cho rằng có sự không rõ ràng khi Grab đã lợi dụng Quyết định 24/QĐ-BGTVT để vi phạm pháp luật. Grab đã lợi dụng đề án thí điểm của Bộ GTVT để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun.
VATA lưu ý do điều kiện kinh doanh khác nhau nên các DN vận tải Việt Nam khó lòng cạnh tranh sòng phẳng với Grab. Liên quan đến dự thảo nghị định mới về kinh doanh vận tải, phía VATA kiến nghị cần quy định việc ứng dụng công nghệ phải được áp dụng cho cả 5 loại hình vận tải.
Theo đó, cần có quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc như lộ trình, chủng loại phương tiện, số lượng hành khách, người lái xe cũng như quy định việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chống tình trạng "xe dù, bến cóc", vi phạm luật giao thông, gây mất an toàn giao thông và thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ngay cả việc dù Grab đã tạo ra việc làm cho 175.000 lái xe cũng đang gây tranh cãi khi những tài xế này không hề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đặc biệt là khi có nhiều tài xế đã làm việc cho Grab có thời gian tới 6 tháng, một năm hoặc còn lâu hơn nhưng họ không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động.
Giới chuyên gia nhận định đây chính là lỗ hổng pháp lý rất lớn để Grab lách luật. Như vậy càng có lý do để đưa Grab và loại hình vận tải công nghệ đang nở rộ ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều DN trong và ngoài nước đi vào khuôn khổ. Đặc biệt là làm sao để người lao động trong lĩnh vực này có quyền lợi về an sinh xã hội.
Có lẽ cũng cần tham khảo đường hướng xử lý của châu Âu (EU) từng "nhức đầu" với loại hình taxi công nghệ mà điển hình là Uber. Hồi cuối năm ngoái, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết Uber là một hãng cung cấp dịch vụ vận tải, không phải một công ty kỹ thuật số. Phán quyết này được cho là rộng đường để quản lý Uber tại EU.
Khi ấy, nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu việc xem Uber như hãng taxi có phải là bước thụt lùi của thời đại 4.0? Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng các nước EU rất phát triển và tôn trọng luật pháp, một khi phán quyết vấn đề gì đều tìm hiểu rất kỹ về hoạt động của chủ thể đó. Vì vậy, khi họ phán quyết Uber là taxi thì không có gì là thụt lùi thời đại 4.0 cả.
Rõ ràng, khi EU đã xác định rõ được Uber là taxi thì việc tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng cần sớm xác định hình thức kinh doanh vận tải của Grab và các loại hình kinh doanh tương tự để chấn chỉnh tình trạng bát nháo và tranh cãi dai dẳng về tính chất pháp lý của vận tải công nghệ như hiện nay.
Thế Vinh