Mới đây, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc BHXH Bình Dương thông tin, năm 2023, số người nhận BHXH một lần tại địa phương này tăng 5.511 người, tương ứng tỷ lệ tăng 7,94% so với năm 2022.
Hối hận vì rút BHXH một lần
Số người nhận BHXH một lần tại địa phương chiếm tỷ lệ 6,23% trên tổng số người hưởng BHXH một lần toàn quốc. Trong quý I/2024, số người nhận trợ cấp BHXH một lần giảm 1.641 người, tương ứng giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2023.
Cuộc sống khó khăn, thiếu hiểu biết về quyền lợi nên nhiều người lao động chọn rút BHXH một lần. |
Tuy vậy, lãnh đạo BHXH Bình Dương cho biết, tình hình rút BHXH một lần tại Bình Dương đang có chiều hướng tăng. Nguyên nhân được xác định từ khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung được cơ quan thẩm quyền công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân; trong đó có nội dung sửa đổi về việc nhận trợ cấp BHXH một lần, nhiều người lao động do chưa hiểu đúng mục đích của dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này nên đã hoang mang và muốn xin nghỉ việc để lĩnh BHXH một lần, dẫn đến số người rút BHXH tăng cao. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội về lâu dài.
Để hạn chế tình trạng người lao động ồ ạt rút hưởng BHXH một lần, BHXH tỉnh đã kịp thời có văn bản báo cáo BHXH Việt Nam, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh đề xuất chọn lựa phương án tối ưu về BHXH một lần trong sửa đổi Luật BHXH để nhận được sự đồng thuận của người lao động.
Thực tế, nhiều lao động sau khi nhận BHXH một lần về đã tiếc nuối vì đồng nghĩa bỏ đi hàng chục năm tham gia BHXH của mình. Chị Trịnh Thanh (Thanh Hóa) cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chị vào Bình Dương làm công nhân. Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, chị Thanh bị mất việc, ngày đó thiếu hiểu biết nên chị đã rút BHXH một lần để lấy tiền về quê trang trải cuộc sống mới.
Tuy vậy, quyết định trên cũng đồng nghĩa rằng, chị Thanh đã tự tay xóa đi gần 10 năm tham gia BHXH của mình, ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng lương hưu sau này.
Chưa kể, nếu rút BHXH một lần, số tiền người lao động nhận được thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%.
Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Nhiều giải pháp hạn chế
Đáng chú ý, theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH tương đối cao so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo tỷ lệ hưởng thì quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản được đánh giá là cao, đặc biệt là chế độ hưu trí. Hiện nay, mức hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất thế giới với tỷ lệ tối đa 75%, trong khi các nước khác duy trì ở mức 35 - 50%.
Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất thế giới với tỷ lệ tối đa 75% |
Luật BHXH năm 2014 quy định, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Trong đó, người lao động đóng 10,5%, bao gồm BHXH 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%; người sử dụng lao động đóng 21,5%, gồm có BHXH 17,5%, bảo hiểm y tế 3% và bảo hiểm thất nghiệp 1%.
Do vậy, để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
So với việc rút một lần, hưởng lương hưu có ý nghĩa hơn nhiều đối với người lao động. Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để người lao động tham gia BHXH muộn có thể tiếp cận lương hưu khi về già là cần thiết.
Tuy nhiên, đi cùng với giảm thời gian đóng BHXH cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động duy trì tạo việc làm có thu nhập ổn định tham gia BHXH cho đến khi về hưu.
Hiện nay, những người ở độ tuổi 40-45, dù có đủ thời gian đóng BHXH 15 năm, nhưng để được hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 15-20 năm nữa mới đến tuổi hưởng. Trong khoảng thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu, nếu người lao động không có việc làm ổn định, khi gặp khó khăn thì nhiều người sẽ vẫn lựa chọn rút BHXH một lần.
Ngăn chặn "lách luật" đóng tỷ lệ BHXH thấp
Người hưởng BHXH một lần chủ yếu dưới 40 tuổi. Ở lứa tuổi này, hầu hết người lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy, tạo công ăn việc làm ổn định để người lao động đảm bảo cuộc sống khi còn trẻ, đảm bảo khả năng tham gia BHXH lâu dài là giải pháp căn cơ.
Ngoài ra, hiện nay, mức lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian tham gia BHXH, vì vậy khi giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thì mức đóng phải sát với thu nhập thực tế. Có như vậy, khi về già, mức lương hưu mới đủ sống.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay, theo quy định, mức đóng BHXH của người lao động dựa trên lương và các khoản phụ cấp kèm theo thường xuyên.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lại “lách” thông qua việc chia thành 2 phần và chỉ đóng mức bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu, còn các khoản phụ cấp không được tính, nên người lao động đóng BHXH rất thấp.
Điều đáng nói, người lao động dù biết tiền đóng BHXH thấp nhưng vẫn “đồng thuận ngầm” để không phải đóng 10% phần chênh lệch vào quỹ BHXH từ tiền phụ cấp. Tuy nhiên, bản chất tiền đóng BHXH là của người lao động. Khi doanh nghiệp “lách luật”, người lao động không phải đóng thêm 10% nhưng lại mất đi khoản 22% doanh nghiệp đáng ra phải đóng thêm cho người lao động.
Thực tế, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành, phát hiện một số đơn vị kê khai khoản thu nhập bổ sung nằm ngoài mức lương tính đóng BHXH. Đây là khoản doanh nghiệp tự thỏa thuận với lao động khi tuyển dụng và không được ghi trong hợp đồng.
Dương Thùy