Nhớ về những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới, ông Ninh chia sẻ thời điểm đó hầu hết đất đai ở Krông Pa đều là đất rừng tạp, khô cằn, rất khó để cây trồng phát triển, dẫn đến năng suất thấp. Vì vậy, ông cùng gia đình phải dành nhiều công sức để cải tạo, đồng thời đưa các loại cây mới về trồng.
Vượt khó khởi nghiệp
Sau hàng chục năm nỗ lực không biết mệt mỏi, đến năm 2013, gia đình ông Ninh đã có 13 ha đất trồng sắn, mía, dưa hấu… Cùng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, các khu vực canh tác cho giá trị ổn định, kinh tế gia đình ông Ninh cũng dần được cải thiện.
Mất hàng chục năm để có được những thành công với các cây trồng ngắn ngày, nhưng không dừng lại ở đó, với quyết tâm làm giàu mãnh liệt, cách đây hơn 3 năm, ông Ninh quyết định chuyển đổi một phần diện tích, chi hàng trăm triệu đồng để phát triển vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao.
Loài cây được ông Ninh lựa chọn là mít Thái vốn còn khá xa lạ với người dân địa phương. Được xã hỗ trợ 1.000 cây giống, ông mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, dành nhiều thời gian để cải tạo đất trồng, nguồn nước phục vụ sản xuất...
Những tỷ phú nông dân như ông Phạm Văn Ninh hiện không còn hiếm ở các địa phương tỉnh Phú Yên (Ảnh: Phạm Thùy). |
Nhờ đầu tư đúng hướng, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, vườn mít Thái của ông Ninh bắt đầu phát triển tốt, cho thu hoạch từ năm 2022 đến nay. Cùng với cây mít, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Ninh đang mang lại thu nhập trên dưới 700 triệu đồng/năm.
“Khi quyết định chuyển đổi sang trồng mít, tôi rất lo lắng bởi kỹ thuật sản xuất thì có thể học, việc tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, mẫu mã đẹp cũng nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm thực sự là bài toán khó, nhưng với quyết tâm vượt lên chính mình, tôi vẫn quyết định làm. Và kết quả hiện tại khiến tôi tự hào”, ông Ninh hồ hởi tâm sự.
Đáng chú ý, ông Ninh chỉ là một trong số nhiều hộ sản xuất có cú bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế trong phong trào thúc đẩy nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Những năm qua, huyện Sơn Hòa định hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các loại hình cây ăn trái theo hướng VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình đã và đang được đầu tư mở ra hy vọng làm giàu cho nhiều hộ dân ở huyện miền núi này.
Liên kết làm giàu
Cùng với Sơn Hòa, huyện Phú Hòa những năm qua cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị, tạo điểm tựa cho nông dân làm giàu. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện đang hình thành nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Điển hình, Tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc đang là một trong những điển hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phú Hòa, với tổng diện tích sản xuất gần 50 ha, chuyên canh tác loại cây ăn quả chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên định hướng phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng (Ảnh: Phạm Thùy). |
Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay, đơn vị hiện có hơn 50 thành viên, trong đó khoảng 1/4 là người dân tộc thiểu số, phát triển các giống cây ăn quả chủ lực, được thị trường ưa chuộng như như mít, mãng cầu, cam, dừa, đu đủ…, mang lại thu nhập bình quân 50 - 200 triệu đồng/hộ/năm.
Khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ nhau vốn, giống cây trồng, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; góp tiền làm đường ống dẫn nước từ núi Lỗ Chài về tưới cho các vườn cây ăn quả. Đặc biệt, với sự đồng hành của Tổ hợp tác và địa phương, các chủ trang trại đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, cho thu nhập cao.
Điển hình như anh Ngô Quốc Dũng, dân tộc Tày, thành viên Tổ hợp tác Sơn Ngọc. Tuy mới lập trang trại cách đây 3 năm, nhưng hiện nay, trang trại của anh có gần 3 ha với đầy đủ loại cây mãng cầu, đu đủ, dừa, cam, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Hay như trang trại của ông Nguyễn Văn Phụng, một thành viên khác của Tổ hợp tác, cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình vườn - ao - chuồng.
Tương tự, ở xã Hòa Hội những năm qua đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại giá trị cao cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu quả mô hình, xã Hòa Hội đã và đang định hướng nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn để tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã, giúp nông dân nâng cao giá trị trái dưa hấu, cũng như có nguồn thu nhập ổn định.
Như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội đã và đang nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp ở địa phương, tiến tới thực hiện mô hình liên doanh liên kết đảm bảo đầu ra ổn định cho trái dưa hấu, đảm bảo thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Thêm động lực phát triển
Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hội cho biết, thời gian qua, với định hướng tham gia vào chương trình OCOP nên HTX đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân theo hướng an toàn, hữu cơ, có ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc.
“Đến nay, đã có tổng số 30/50 hộ dân thường xuyên canh tác dưa hấu ở địa phương tham gia vào HTX, trong đó có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Tày, Chăm H’roi, Hoa... Cái lợi khi người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết là được đảm bảo đầu ra, biết được mức giá ngay từ đầu vụ nên yên tâm canh tác theo đúng chuẩn”, ông Thơ chia sẻ.
Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đang được lan tỏa khắp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Điều này cũng nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh thái của tỉnh.
Theo Quy hoạch, tỉnh Phú Yên dự kiến phát triển 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích hơn 10.000 ha. Trong đó, tỉnh sẽ phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm các vùng trồng lúa, bắp sinh khối, mía, rau, nấm, hoa, cây cảnh, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; các vùng chăn nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi lợn, nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn.
Thời gian tới, để tạo thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nhà đầu tư, tỉnh dự kiến tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, thuận lợi nhằm thu hút đầu tư; khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ. Đồng thời, phối hợp với các ngành xúc tiến đầu tư; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, lĩnh vực khuyến khích đầu tư để các nhà đầu tư biết, nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư...
Mỹ Chí