Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), như vậy là chưa chuẩn bị tâm thế và nội lực sẵn sàng cho CMCN 4.0 đang tới gần.
"Chúng ta không nên bi quan nhưng thật khó có thể lạc quan về CMCN 4.0", đại biểu Nhân nói |
Đánh giá về tình hình - kinh tế xã hội vừa qua, đại biểu Nhân băn khoăn, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho thấy nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài, nợ Chính phủ tăng và đang có xu hướng sát trần Quốc hội cho phép.
Nỗ lực nhiều nhưng phải thừa nhận tăng trưởng kinh tế vừa qua vẫn dựa vào vốn, lao động và nợ vay. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực gánh vác nền kinh tế, xuất khẩu nằm trong tay các công ty FDI và tiếp tục hưởng lợi nhờ các FTA... "Những bất cập này sẽ được cơ cấu lại như thế nào là câu hỏi lớn", ông Nhân nói.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng thật may mắn là CMCN 4.0 đặt các quốc gia cùng vạch suất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới. Với Việt Nam, đây sẽ mở ra cơ hội để đất nước rút ngắn khoảng cách, vượt qua bẫy thu nhập thấp, tuy nhiên đang có lực cản và một bộ phận "còn dị ứng" với đổi mới sáng tạo.
Đại biểu dẫn chứng khi cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi tới hồi kết, Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam mới đây lại đề xuất không cấp phép để Facebook phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh, như vậy là chưa chuẩn bị tâm thế và nội lực sẵn sàng cho CMCN 4.0 đang tới gần.
Trái với lạc quan ban đầu về khả năng cải thiện vị trí Việt Nam khi bước vào CMCN 4.0. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém, dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá mức độ sẵn sàng cho CN 4.0 như: xếp thứ 70 về chất lượng nguồn nhân lực, xếp thứ 90 về đổi mới công nghệ sáng tạo... Trong khi các chỉ số này không thể thay thế trong CMCN 4.0.
Mới đây, báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam đứng thứ 95 trên 140 quốc gia, kém Campuchia 3 bậc...
Mặc dù lãnh đạo Chính phủ nóng lòng đẩy mạnh tốc độ thực hiện Chính phủ điện tử nhưng đến nay vẫn chuyển biến chậm - "Nền tảng 4.0 còn chậm, làm thế nào vượt lên chính mình, không để bị bỏ lại phía sau", đại biểu Nhân đặt vấn đề.
Dự báo diễn ra trước 2025, chiếc ôtô đầu tiên sản xuất từ in 3D, 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện, ông Nhân đặt vấn đề, liệu thành tựu nào trong số đó sẽ đóng mác sản xuất ở Việt Nam?. "Chúng ta không nên bi quan nhưng thật khó có thể lạc quan", ông Nhân nói thêm.
Thế giới không đứng yên để chúng ta vận động và tiến lên cho "bằng vai phải lứa". Mà tất cả đang chuyển động với một "gia tốc" chưa từng có trong lịch sử. Thời cơ, thuận lợi chia đều cho tất cả quốc gia. Thậm chí, trên đường đưa đó, nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị từ khi "buổi bình minh" CMCN 4.0 chưa rõ ràng.
Do vậy, theo đại biểu tỉnh Bình Dương, Việt Nam cần thay đổi chính sách, thể chế để đáp ứng lộ trình đổi mới sáng tạo. "Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của dân số vàng, sự rục rịch hồi hương của FDI, người máy rồi sẽ thay thế lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi đầu tư sẽ không còn hấp dẫn... chúng ta không thể không thay đổi", ông chốt lại.
Lê Thúy