Nếu xét theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm cho rằng việc xin nhập khẩu toa tàu cũ đã sử dụng 40 năm nay ở Nhật Bản là không cho phép và không phù hợp.
Khó khả thi?
Cần nhắc lại, tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Chính phủ có nêu rõ, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.
Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin nhập 37 toa tàu cũ đã sử dụng 40 năm của Nhật Bản đang gây nhiều tranh cãi. |
Theo đó, các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu trong các trường hợp: Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường; Các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg cũng quy định, chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam. Cụ thể, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được phép NK khi đáp ứng tuổi máy móc, thiết bị đã qua sử dụng không vượt quá 10 năm.
Như vậy, với tuổi thọ trung bình 40 năm của 37 toa tàu cũ ở Nhật Bản mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa báo cáo Chính phủ đề xuất cho phép nhập khẩu liệu có khả thi?
Trong chuyện này, như lý lẽ của ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, theo tính toán về mặt kinh tế có hiệu quả, về mặt giá trị đầu tư thấp, hạn chế rủi ro, ở mức thấp nhất.
Cụ thể, tổng chi phí cho việc nhập 37 toa tàu cũ vào khoảng 140 tỷ đồng, trong đó có 40 tỷ đồng vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. 37 toa xe cũ này dự kiến sẽ khai thác được trong 15 năm tới, và thời gian hoàn vốn hơn 7 năm.
Trong khi đó, nếu nhập 37 toa xe với công nghệ như thế này nhưng mới tinh về thì mất khoảng 1.100 tỷ đồng, “đè” vào giá thành vé thì không thể bán nổi.
Từ giải thích như thế mà không ít ý kiến bày tỏ việc ủng hộ việc nhập 37 toa tàu cũ nếu kiểm định chất lượng (nhất là với hàng Nhật dù cũ nhưng được cho là rất tốt), giá cả minh bạch và hợp với điều kiện, hạ tầng đường sắt Việt Nam. Nhất là khi nhiều dự án hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn ngổn ngang, bỏ ngỏ mức độ hiệu quả, nhưng nếu chỉ có 140 tỷ đồng lại có thể mang đến sự tiện lợi cho hành khách đi tàu.
Tuy vậy, nhiều ý kiến lại bày tỏ sự lo lắng với tuổi thọ 40 năm thì liệu những toa tàu cũ này có phải là phế liệu ở bên Nhật? Việc này chỉ có những người trong ngành đường sắt mới hiểu rõ. Độ an toàn và hiệu quả khai thác từ các toa tàu, cùng các chi phí bảo trì thường xuyên cũng cần phải được đặt ra.
Còn đó bài học rủi ro cao
Việc VNR xin nhập khẩu các toa tàu cũ làm gợi nhớ lại bài học từ nhiều năm trước ở ngành vận tải biển khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mua sắm rất nhiều tàu cũ, tàu già. Trong đó có 17 tàu trên 15 tuổi, thậm chí còn mua tàu đã sử dụng 30 năm. Tàu mua về rồi đem cho thuê đã khiến các DN thành viên của Vinalines gặp nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, dự án mua tàu nào cũng được Vinalines “vẽ ra” hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, nhưng thực tế có 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác bị lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán.
Việc nhập tàu cũ này làm lệch hướng phát triển vận tải biển. Vậy, với đề xuất nhập các toa tàu cũ tuổi đời 40 năm có làm lệch hướng phát triển ngành đường sắt ở Việt Nam?
Lẽ nào VNR không tham khảo bài học từ Vinalines trong chuyện nhập tàu cũ để tránh rủi ro, nguy hiểm cho DN có dòng vốn của Nhà nước?
Không chỉ vậy, theo giới chuyên gia, việc dự định nhập khẩu các toa tàu cũ này còn là cả câu chuyện về tụt hậu công nghệ, làm giảm đi tính cạnh tranh của ngành đường sắt Việt Nam, không đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thực ra, nói đi phải nói lại, xét về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng (nhất là từ Nhật Bản) còn là cơ hội để DN và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Ngay cả nhiều DN Nhật Bản tại Việt Nam vẫn mong muốn nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng từ nước mình khi mà những máy móc thiết bị này đáng lẽ vẫn còn hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nữa.
Còn các DN trong nước cũng mong nhập khẩu máy móc cũ từ Nhật Bản, nhưng với quy định hiện hành thì việc họ lựa chọn nhập khẩu máy móc giá rẻ từ Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, chuyện VNR xin nhập 37 toa tàu cũ có tuổi thọ 40 năm không thể đánh đồng với nhu cầu của các DN. Nhất là khi VNR đang là DN Nhà nước và là bộ mặt của ngành đường sắt Việt.
Cho nên, theo các chuyên gia, với Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm từ phía VNR nói riêng và các DN nói chung. Điều quan trọng còn lại là khâu chính sách cần bổ sung thêm quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu theo hướng nâng cao chất lượng của máy móc nhập khẩu để tránh trở thành “bãi rác” công nghệ của thế giới.
Thế Vinh