Ghi nhận ở Tp.Cần Thơ cho thấy tính đến giữa tháng 9/2021 vẫn còn tồn cá tra quá lứa với hơn 3.000 tấn chưa thu hoạch, trong bối cảnh nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu phải tạm ngừng sản xuất, không thể thu mua cá tra nguyên liệu.
Chờ tháo “vòng kim cô”
Như phản ánh của các DN ngành hàng cá tra tại thành phố này, bất cập đang nằm ở chỗ trong khi công nhân của nhà máy được ưu tiên tiêm vắc xin, còn nhân công vùng nguyên liệu, người chăn nuôi và thu hoạch cá tra thì lại chưa được ưu tiên.
Các DN đang chờ đợi “sống chung” cùng đại dịch với mong muốn tháo gỡ khó khăn trong các quy định phòng chống dịch. |
Chính vì vậy, cả phía DN và người nông dân đều gặp khó trong việc di chuyển, thu hoạch cá tra để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch này đến 40-50 người nên cần phải tiêm vắc xin phòng ngừa.
Không chỉ ở Cần Thơ, vấn đề tiêm vắc xin những rối rắm về quy định phòng chống dịch ở các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phần nào khiến cho phục hồi sản xuất của các DN cá tra trong thời gian tới là cả thách thức lớn. Nhất là khi, theo ước tính có khoảng 60 - 70% DN trong ngành hàng này chưa đủ năng lực hoặc phải mất thời gian dài để khôi phục sản xuất.
Đây cũng là trăn trở chung của nhiều DN khi chờ đợi “sống chung” với đại dịch trong thời gian tới khi mà họ còn nhiều mối lo là liệu việc sống chung này có phù hợp với những quy định về phòng chống dịch như hiện tại ở các địa phương.
Đó cũng là lý do mà cuối tuần trước, 14 Hiệp hội DN (đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam) đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Các Hiệp hội này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15,16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch để phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nhất là cần trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống cho các tổ chức hoặc DN. Không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền hoặc phân xưởng hay bộ phận riêng biệt.
Mới đây, khi góp ý với chính quyền Tp.HCM về việc mở cửa trở lại nhằm phục hồi kinh tế, Ts. Trần Du Lịch có kiến nghị Trung ương cần gỡ “vòng kim cô” của Bộ Y tế về giao chỉ tiêu chống dịch cho thành phố.
Tránh mở cửa... “giật cục”
Theo lưu ý của ông Lịch, việc mở cửa cho các DN hoạt động trở lại phải có tính nhất quán, tránh mở cửa “giật cục”, không để xảy ra chuyện “đóng mở bất thường” dẫn đến nhiều rủi ro nặng nề hơn cho phía DN.
Ngay cả ứng dụng về phòng chống dịch Covid-19 cũng rất cần được gỡ rối để tạo thuận lợi cho lực lượng lao động của các DN. Nhất là khi việc có quá nhiều ứng dụng khai báo y tế và quản lý phòng chống Covid-19 được các đơn vị triển khai đang khiến người lao động tại các DN lúng túng và gặp khó khăn trong việc sử dụng.
Theo Ts. Phạm Công Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT, hiện tại có hơn 10 ứng dụng và phần mềm theo dõi sức khỏe liên quan đến Covid-19. Chưa kể một số tỉnh thành khác cũng có ứng dụng riêng liên quan đến quản lý sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh.
Ông Hiệp cho rằng trước việc cả “làng” ứng dụng phòng chống Covid-19 như vậy, cùng mục đích khá giống nhau giữa các bộ, ngành và địa phương đang làm khó người lao động tại các DN, buộc họ phải kê khai thông tin nhiều lần tùy theo yêu cầu của đơn vị quản lý. Họ khó theo dõi được thông tin đã kê khai và khi có nhu cầu chỉnh sửa thông tin thì khá mất thời gian.
Ngoài ra, xét về hiệu quả kinh tế, băn khoăn của vị chuyên gia RMIT nằm ở việc phát triển nhiều ứng dụng trùng lặp dẫn đến lãng phí ngân sách, chưa xử lý hiệu quả thông tin lưu trữ trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nhu cầu và sử dụng vắc xin, phân bổ tài nguyên y tế trên quy mô cả nước.
Ngoài các vấn đề nêu trên, qua ghi nhận của VnBusiness với một số DN nội địa và các nhà đầu tư nước ngoài, điều mà họ quan tâm trong thời gian tới để thích ứng “sống chung” với đại dịch chính là tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động khi mà vẫn còn nhiều trường hợp công nhân chưa tiêm mũi 1 hoặc chưa tiêm mũi 2.
Các DN cũng mong khi đưa hoạt động sản xuất trở lại với trạng thái bình thường mới và tạo thuận lợi cho chuyên gia, người lao động di chuyển. Nhất là cần nới lỏng quy định di chuyển liên tỉnh bằng sự phối hợp tốt giữa các địa phương lân cận. Như nỗi niềm hiện tại của ông Shon Youn Il, Chủ tịch Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại Tp.HCM, các DN có quy mô lao động lớn hoặc các công ty không thể thực hiện toàn diện yêu cầu “3 tại chỗ”.
Ngoài ra, theo ông Shon, những công ty thực hiện các quy định này cũng đang gặp khó khăn khi ngày càng có nhiều nhân viên muốn nghỉ việc, ngừng việc do các vấn đề về an toàn và sự mệt mỏi gia tăng.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.