Vào đầu tháng 11 tới sẽ diễn ra hội nghị về cảng biển, hàng không và dịch vụ hậu cầu châu Á 2021. Đây không chỉ là sự kiện quan trọng đối với ngành logistics, mà còn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà xuất khẩu (XK) ở Việt Nam.
Mối quan tâm từ logistics đến hải quan
Nhất là trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng phi mã, thiếu container rỗng, liên tục thiếu tàu, các khoản phụ phí hãng tàu đang áp dụng, nạn ùn tắc tại cảng biển lớn trên thế giới... đang là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp (DN) XK.
Các DN mong muốn khơi thông mọi rào cản từ logistics cho đến chính sách, thủ tục hải quan, giảm chi phí… để phục vụ tốt nhất cho XK trong thời gian tới. |
Chính vì vậy, chủ đề trọng tâm của hội nghị lần này là bàn về khả năng phục hồi, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên những diễn tiến mới nhất của đại dịch Covid-19 và các lệnh hạn chế đi lại.
Có thể nói, điều mong mỏi nhất hiện nay cho hoạt động XK trong thời điểm cuối năm 2021 và năm 2022 tới không chỉ ở vấn đề logistics mà còn ở việc khơi thông mọi rào cản để phục vụ tốt nhất cho XK.
Chẳng hạn, sau nhiều ý kiến bức xúc của các DN về chi phí hạ tầng cảng biển, tại kỳ họp thứ 3 của Hội đồng nhân dân Tp.HCM khoá X diễn ra ngày 18/10, UBND Tp.HCM đã đề nghị lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến 0 giờ ngày 1/4/2022 thay vì từ 0 giờ ngày 1/10/2021.
Việc lùi thời gian như vậy rõ ràng sẽ giúp các DN giảm thiểu được chi phí trong hoạt động sản xuất và XK để hồi phục tốt hơn nhằm vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, việc đơn giản hoá thủ tục hải quan hoặc các chính sách mới nhằm tạo thuận lợi lớn cho các hoạt động XK luôn là vấn đề mà các DN quan tâm.
Ở góc độ DN, ông Trần Văn Hào, đại diện Công ty TVC cho rằng, các nghị định, thông tư đang soạn thảo có liên quan đến thủ tục hải quan nên dự liệu trước các vấn đề đến xu hướng số hóa đang diễn ra rất nhanh.
Ông Hào nêu trường hợp cụ thể như tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã đưa ra quyết định chính thức áp dụng việc số hóa, đang yêu cầu DN phải nộp, kê khai tất cả số lượng hàng hóa cùng các thông tin.
Do đó, DN lo ngại sẽ xảy ra trùng lặp nếu phía hải quan cửa khẩu, ban ngành cũng đề nghị cung cấp những thông tin như thế. Vì vậy, phía cơ quan hải quan cần tính toán cách làm nhằm giảm thiểu kê khai nhiều cho nhiều bộ phận khác nhau.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), những quy định về thông quan hiện nay đòi hỏi cần phải kịp thời, tạo thuận lợi thương mại cho DN, giảm kiểm tra một cách hợp lý, tăng hậu kiểm.
“Đặc biệt là các cơ quan hải quan cần tăng niềm tin đối với DN. Bởi vì đa số DN luôn luôn tăng tính tuân thủ pháp luật, cũng như muốn giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính”, ông Hiệp nói.
Tránh bất lợi dồn lên nhà cung ứng
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, các doanh nghiệp XK đang đối mặt rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề khiến cho nhiều DN buộc phải ngừng, đình đốn sản xuất.
Theo một cuộc khảo sát gần nhất của VCCI, tình hình kinh doanh hiện nay rất nghiêm trọng. Có đến 93% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực và rất tiêu cực; có đến 98% DN cho lao động nghỉ việc trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, các chuỗi cung ứng liên tục đứt gãy, còn chi phí lại liên tục tăng. Đối với các nhà XK, những bất ổn trong vấn đề logistics đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và XK.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, theo ông Tuấn, việc cắt giảm, đổi mới các thủ tục hải quan sẽ rất có ý nghĩa. Việc tạo thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động kinh doanh sẽ là sự an ủi, là sự chia sẻ rất lớn.
Ngoài vấn đề về logistics, về chính sách, thủ tục hải quan, chia sẻ mới đây trên website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta bày tỏ, sau Nghị quyết 128/CP mà Chính phủ vừa ban hành với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-119”, khiến sự xuất phát, khởi động trở lại của các DN sẽ có nhiều cung bậc thấp cao khác nhau.
Nhưng, điều mà ông Lực nhấn mạnh là trước mắt phấn đấu nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch XK năm 2021 đã đề ra.
Như băn khoăn của ông Lực, chuỗi cung ứng toàn cầu dễ tổn thương hơn dù tác động ảnh hưởng không quá đáng. Không rõ điều này là bất khả kháng hay ý đồ trục lợi, nhưng bất lợi sẽ dồn lên các nhà cung ứng khi khả năng chi phí thuê container sẽ còn duy trì mức cao, dẫn tới thiệt hại không nhỏ các DN làm hàng XK.
“Chính ngay thời điểm này đã có dấu hiệu khan hiếm container rỗng theo tuyến yêu cầu, dù hàng cung ứng cho dịp lễ năm mới chỉ mới khởi động”, ông Lực cho biết.
Cần thấy rằng các nhà XK đã quá thấm thía với bài học đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến nhiều hệ luỵ khác. Điều này thể hiện rất rõ việc thực thi các chính sách, các giải pháp mới cần phù hợp với tình hình mới nhằm khơi thông mọi rào cản để phục vụ tốt nhất cho hoạt động XK thời điểm cuối năm cũng như năm tới. Đó cũng là cách để giúp các DN xuất khẩu thích nghi và "sống chung" với dịch Covid-19.
Thế Vinh