Bên cạnh những “ông lớn” vốn được biết tới là những tay to trong phân khúc bất động sản công nghiệp như Becamex IDC; Đô thị Kinh Bắc; Viglacera… Có thể thấy, nhiều nhà đầu tư “tay ngang”, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất đã nhảy sang làm bất động sản công nghiệp như “đại gia” ngành nhựa” Bùi Thế Minh của công ty CP hóa chất Nhựa làm khu công nghiệp Đồng Văn 1 và cùng với đó là hàng loạt tên tuổi khác…
Nhiều nhà đầu tư “tay ngang” nhảy vào
Mấy năm nay khi ngành truyền thống là dệt may gặp khó khăn do mất khách hàng lớn là Amazon, Công ty CP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) – thâm niên hơn 40 năm trong ngành này đã tìm nguồn thu từ mảng kinh doanh mới, đó là đầu tư vào bất động sản công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhảy vào đầu tư bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng. |
Đến nay, Gilimex cho biết có khu công nghiệp ở Huế, Vĩnh Long và dự định phát triển thêm 5 khu công nghiệp tại miền Bắc. Bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP công nghiệp Gilimex, cho biết không riêng gì DN này mà nhiều chủ đầu tư khác cũng nhìn thấy sản xuất sẽ là động lực tăng trưởng cốt lõi của nền kinh tế, vì vậy việc đầu tư bất động sản công nghiệp có vai trò quan trọng.
Thêm vào đó, một lý do hấp dẫn là Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào lĩnh vực công nghệ cao. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn với chính phân khúc bất động sản trên.
Đầu năm nay, thông tin Tập đoàn Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng nhận được nhiều quan tâm. Các dự án gồm: Cảng Bãi Gốc, Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Không chỉ Hòa Phát, một “ông lớn” khác là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Theo một chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản, hiện nay, các nhà đầu tư đang tập trung phát triển dự án ở các tỉnh phía Bắc và có xu hướng đầu tư vào trong phía Nam như Long An cùng một số tỉnh giáp TP.HCM vào giai đoạn cuối năm nay.
Tuy vậy, cũng theo nhiều chuyên gia, để đầu tư một khu công nghiệp bất động sản công nghiệp cần số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng – đây chắc chắn là con số không nhỏ với các nhà đầu tư. Quan trọng hơn, con số này chắc chắn không hẳn không có rủi ro.
Không dễ 'buôn đất'
Bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng sôi động lên nhờ những đại gia tay ngang, tuy vậy cuộc chơi cũng không hoàn toàn dễ dàng. Đơn cử, Thủy sản Nam Việt (ANV) và Sữa Quốc tế (IDP) – 2 ông lớn ngành thủy sản và sữa đã phải quyết định từ bỏ kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực bất động sản để tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi chỉ sau khoảng 1 năm.
Trong đó, Nam Việt quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt và Công ty CP Sữa Quốc tế giải thể công ty con là Công ty CP đầu tư Green Light.
Dù đang mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, song tại Đại hội Cổ đông vừa diễn ra, trước câu hỏi về mục tiêu đa ngành. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn thận trọng cho biết: Với các tập đoàn sản xuất lớn, đa ngành là xu hướng không thể thay đổi. Về sách lược, ở từng thời điểm chúng ta phải có những bước đi thích hợp. Ở ngắn hạn, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào thép”.
Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện Gilimex chia sẻ, để đầu tư một dự án khu công nghiệp, DN phải có vài nghìn tỷ đồng. Đây là khoản tài chính không nhỏ. Do vậy, DN nào muốn tham gia phát triển bất động sản công nghiệp phải kiên nhẫn vì đây là dòng vốn đầu tư dài hơi. Chưa kể, từ việc xin phép tới giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thi công, thu hút nhà đầu tư vào là cả một quá trình rất khó khăn.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn thu hồi vốn và xác định đây là hành trình gian nan”, bà Hằng nói. Được biết, các khu công nghiệp của Gilimex mới bắt đầu bán hàng từ năm 2022.
Trong khi đó, ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản công nghiệp và cho thuê A+, cho hay thông thường thời gian để một dự án bất động sản công nghiệp thu hồi vốn từ 12-15 năm. Do vậy, xác định rót vốn vào lĩnh vực này, nhà đầu tư tuyệt đối không nóng vội, cố gắng hút tiền nhanh về để làm khu công nghiệp khác. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Cả nước hiện có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Theo ông Lê Anh Dũng, cần phân rõ khu công nghiệp dành cho ngành nghề nào, tránh tình trạng đổ xô làm khu công nghiệp xong vì lợi nhuận mà thu hút bất chấp các ngành nghề không liên quan tới nhau từ sắt thép, tới nhựa hay xi măng… dẫn tới nhiều hệ luỵ.
Nhà đầu tư phải hiểu rõ phát triển khu công nghiệp xanh không chỉ là trồng cây, có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo… mà đây là xanh ở hệ sinh thái thông minh. Công nghiệp là hệ sinh thái cộng sinh như cộng đồng các DN cùng làm điện tử, hay sản xuất ô tô, năng lượng…
Ông Nguyễn Quốc Khánh Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Thực tế cho thấy, không ít khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi đầu tư cả chục năm nhưng vẫn không thể lấp đầy. Đây chính là minh chứng cho thấy bất động sản công nghiệp là phân khúc không dễ đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư tay ngang, thiếu kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng nhà xưởng và tìm kiếm khách hàng cho thuê lại. Do vậy, trước khi xuống tiền thuê đất, xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng. PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến Trường Đại học Luật Hà Nội Lĩnh vực kinh doanh nào giàu tiềm năng, nhiều DN nhảy vào là điều dễ thấy. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, DN muốn đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ khác với thời điểm đất nước mới mở cửa. Trước đây, phát triển khu công nghiệp chủ yếu là phục vụ sản xuất, giờ tiêu chuẩn đầu tư vào khu công nghiệp cao hơn rất nhiều. Khu công nghiệp đó không chỉ đáp ứng tới vấn đề đất đai, hạ tầng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, mà còn là các tiêu chí về văn hoá, phát triển bền vững. Do vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng nghiên cứu kỹ thực trạng, đánh giá nhu cầu, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, rơi vào khủng hoảng thừa. Bỏ 1 đồng vốn ra phải đảm bảo an toàn và tránh rủi ro. Ông Đào Thế Anh Chủ tịch RSL Group Lợi thế của các DN sản xuất là tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều mối quan hệ và đặc biệt hiểu rất rõ nhu cầu mà một nhà máy sản xuất cần có trong bối cảnh hiện nay. Để tăng khả năng lấp đầy các khu công nghiệp của mình, chủ đầu tư hỗ trợ thêm dịch vụ cho các khách hàng từ việc xin giấy chứng nhận đầu tư, tới giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Cộng thêm hạ tầng tốt, mức giá dễ chịu. Bây giờ, không phải cá lớn nuốt cá bé mà cá nhanh nuốt cá chậm. Ai triển khai hạ tầng càng nhanh thì càng thành công. |
Thy Lê