Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. |
Đáng chú ý, trong đó một loại khoáng sản quý là đất hiếm. Quy hoạch nêu rõ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp (sản phẩm là tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit… sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Ở giai đoạn thăm dò, đến năm 2030 đặt mục tiêu hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe tỉnh Lai Châu. Thăm dò nâng cấp, thăm dò mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu (7); Lào Cai (2); Yên Bái (1).
Giai đoạn 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Ở khâu khai thác, giai đoạn đến năm 2030 đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép khai thác như Đông Pao - Lai Châu; Yên Phú - Yên Bái. Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu (5), Lào Cai (3); Yên Bái (1). Tổng sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Giai đoạn 2031 - 2050 duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mở Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác đạt gần 2,1 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Ở khâu chế biến, giai đoạn đến năm 2030, hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tổng các ôxit đất hiếm (TREO): đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện chế biến đất hiếm tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 (không tính sản lượng chế biến của các nhà máy đã đầu tư từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu), dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.
Đất hiếm riêng rẽ (REO): Đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến đất hiếm tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 (không tính sản lượng chế biến của các nhà máy đã đầu tư từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu), dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2031 - 2050 căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có. Trong đó, tổng các ôxi đất hiếm (TREO) là 40.000 - 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ: 40.000 - 80.000 tấn/năm và đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm do nhà đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Bộ TN&MT thống kê, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể là trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Thy Lê