Thực tế, những khó khăn, sa sút thua lỗ của hãng taxi lâu đời ở Tp.HCM là taxi Saigontourist không chỉ trong thời gian gần đây, mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Như giai đoạn 2012 - 2017, doanh thu của hãng này liên tục đi xuống, có lúc sụt giảm đến 40%, lợi nhuận âm.
Cái kết tất yếu
Do tình hình kinh doanh sa sút dẫn đến tình trạng tranh chấp nội bộ trong hãng taxi này liên tục diễn ra giữa 2 nhóm cổ đông lớn Việt Nam và Nhật Bản.
Taxi Saigontourist cũng lao đao vì nợ thuế, phải hoạt động trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Hồi năm ngoái, Cục Thuế Tp. HCM còn có quyết định phạt và truy thu gần 7,3 tỷ đồng tiền thuế liên quan tới các hành vi sai phạm của bộ máy lãnh đạo cũ.
Kinh doanh lao dốc, taxi Saigontourist đang trên bờ vực phá sản |
Năm gần nhất (2019), CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) - doanh nghiệp (DN) sở hữu thương hiệu taxi này, đạt hơn 35 tỷ đồng doanh thu, tương đương 1/2 so với năm 2014 (năm gần nhất có lãi), trong khi lợi nhuận sau thuế âm 13 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính, vốn chủ sở hữu công ty đã âm gần 13 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 là 93 tỷ đồng.
Hiện tại, taxi của hãng này chỉ khoảng 100 chiếc. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình kinh doanh vận chuyển của hãng thêm khó khăn. Còn mới đây, STT cho biết nhận được thông báo từ Tòa án nhân dân Tp.HCM về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của công ty từ một cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Hồng (đang nắm giữ hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 21,8% vốn điều lệ).
Về nguyên nhân yêu cầu tòa án mở đơn phá sản như một cái kết tất yếu, ông Hồng cho rằng công ty đã hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.
Liệu tình cảnh thê thảm của taxi Saigontourist có phải là bức tranh chung của các hãng taxi truyền thống vốn đã bị lấn chiếm thị phần nhiều năm nay từ các hãng taxi công nghệ?
"Soi" tình hình kinh doanh của một “ông lớn” taxi truyền thống là Vinasun sẽ thấy trong mùa dịch Covid-19, hãng này gặp rất nhiều khó khăn vì không có khách. Trong quý I/2020, doanh thu của Vinasun chỉ đạt 366 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 50 tỷ đồng, giảm tương ứng 31% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khác với sự tụt dốc không phanh của STT, lợi nhuận trước thuế của Vinasun năm ngoái đạt 139 tỷ đồng, tăng 120% so với năm trước đó. Đây được cho là thành quả từ việc DN này đã có sự chuyển đổi tích cực từ 4 năm trước, sau khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của Grab.
Tựu trung lại, trong câu chuyện khó khăn của các hãng taxi truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng nếu DN nào có nguồn lực mạnh, sớm chuyển đổi chiến lược mới thì sẽ vượt qua bế tắc dù có gặp tình trạng bất khả kháng như dịch Covid-19.
Nên gỡ khó
Còn với những DN taxi lúng túng đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình mới, nguồn lực tài chính lại hạn hẹp, bị động trong kinh doanh dẫn đến thua lỗ nặng thì việc bế tắc, trước bờ vực phá sản như taxi Saigontourist là khó tránh khỏi.
Giới chuyên gia nhận định dù ở những thị trường chủ lực như Tp.HCM hay Hà Nội, hiện nay vẫn có các hãng taxi truyền thống còn hoạt động khá nhỏ lẻ, rời rạc. Nếu như họ không có chiến lược đổi mới tốt và hạn chế trong việc tranh giành thị phần thì có khả năng sẽ bị thâu tóm bởi các đối thủ có tiềm lực mạnh.
Thậm chí, ngay cả khi một số hãng taxi truyền thống dạng nhỏ lẻ áp dụng công nghệ mới như đặt xe qua công nghệ app thì cũng chưa hẳn có thể đạt hiệu quả nếu như thị phần của họ chưa đủ lớn.
Mặt khác, để giảm thiểu sự bế tắc của các hãng taxi truyền thống, trong khâu chính sách cũng nên gỡ khó và tạo điều kiện tốt hơn cho DN. Mới đây, khi góp ý Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có đề cập đến những bất cập trong dự thảo về chính sách kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng.
Theo VCCI, so với quy định hiện hành, quy định về kinh doanh vận tải bằng xe taxi và xe hợp đồng có một số thay đổi. Chẳng hạn với xe taxi ngoài tiêu chí để phân biệt là sử dụng ô tô có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì còn có thêm tiêu chí bổ sung là “phương thức tính tiền cước”.
Một luật sư nhìn nhận, để thị trường taxi cạnh tranh công bằng thì vấn đề giá cả, phương thức tính tiền cước sẽ do cung cầu trên thị trường quyết định và nên tránh sự áp đặt một cách máy móc về giá cước.
Ngoài ra, quy định về người điều hành hoạt động vận tải trong dự thảo đã tăng lên, từ “có trình độ chuyên môn về vận tải” thành “có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải”. Đây là hình thức "giấy phép con" mới mà các hãng taxi truyền thống có thể sẽ phải gánh chịu.
Trong khi đó, như lưu ý của VCCI, nếu yêu cầu này nhằm hướng đến sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DN thì không cần thiết, bởi đây là nhu cầu tự thân của DN.
Còn nếu là mục tiêu đảm bảo hoạt động an toàn vận tải thì bản thân các quy định về bằng cấp của người lái xe, yêu cầu chất lượng của phương tiện, các quy định ràng buộc liên quan đến giờ lái xe, sức khỏe lái xe… đang quy định tại Dự thảo đã đủ để kiểm soát vấn đề.
Thế Vinh