Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nhận định: “Thị trường taxi hiện tại đang là cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi (truyền thống) và các công ty công nghệ. Nếu Nhà nước tạo được một môi trường cạnh tranh công bằng sẽ tạo được lợi ích “kép” cho cả các doanh nghiệp vận tải và người tiêu dùng”.
Taxi công nghệ hết thời “siêu rẻ”
Sau hơn 3 năm hoạt động, gây chao đảo thị trường bằng mức giá siêu rẻ nhằm gây dựng thương hiệu, giành thị phần, các “đại gia” taxi công nghệ Uber và Grab đang liên tục có những động thái tăng giá cước theo cấp số nhân. Giới chuyên gia nhận định nếu taxi công nghệ “độc chiếm” thị trường, giá cước có thể tăng mạnh hơn.
Sau đợt tăng giá gần nhất vào đầu tháng 11/2016 (tăng xấp xỉ 50%), đến ngày 24/8/2017, Uber Việt Nam tiếp tục tăng cước phí tại Tp.HCM từ 7.000 đồng/km lên 8.500 đồng/km (tương ứng hơn 21%). Cước phí theo thời gian giữ nguyên 300 đồng/phút, phí tối thiểu và huỷ chuyến giữ nguyên mức 15.000 đồng.
Theo đại diện Uber Việt Nam, mục đích tăng giá cước lần này là để “tạo thêm nhiều chuyến đi đáng tin cậy hơn” và “giúp các đối tác có mức thu nhập ổn định”. Với các chuyến đi ra sân bay tại Hà Nội, Uber sẽ điều chỉnh tăng cước trong thời gian tới nhằm cải thiện dịch vụ và hỗ trợ thu nhập cho tài xế.
Trước đó, vào tháng 3/2017, Grab cũng công bố bảng giá cước mới, với cước GrabCar 4 chỗ ở khu vực Tp.HCM có giá tối thiểu 20.000 đồng/2km đầu, cước quãng đường tiếp theo là 9.000 đồng/km và cước thời gian chờ 300 đồng/phút. Cước GrabCar khu vực Hà Nội chỉ khác khu vực Tp.HCM ở cước quãng đường (8.500 đồng/km) và cước thời gian chờ (400 đồng/phút).
Có thể thấy, sau quãng thời gian gây sốc bằng giá rẻ, cước phí của các hãng taxi công nghệ đã thu hẹp đáng kể so với taxi truyền thống. Thậm chí, nếu tính giá cước bình quân cả ngày, giá cước của một số hãng taxi truyền thống có thể rẻ hơn, bởi Uber và Grab áp dụng chính sách tăng giá giờ cao điểm (surge pricing).
Thực tế cho thấy, một số thương hiệu taxi truyền thống như Sông Nhuệ, Ba Sao, Thành Công, Taxi Phù Đổng, Taxi Hà Đông, Vina Sao Taxi… hiện đều có mức “phí mở cửa” rẻ hơn Grab và Uber, tính cước tối thiểu/km đầu thay vì 2km đầu mà Uber và Grab đang áp dụng.
Công nghệ đang là “vũ khí” ưu việt nhất để taxi truyền thống đua thị phần với Uber, Grab
Taxi truyền thống trỗi dậy mạnh mẽ
Trước sự lớn mạnh và bành trướng của các hãng taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đang đẩy mạnh những cuộc “cách mạng” nhằm xoay chuyển cục diện và đã cho thấy những kết quả khả quan.
Không chỉ khoảng cách về cước phí dần được thu hẹp, chất lượng dịch vụ, mức độ tiện lợi của taxi truyền thống hiện cũng cạnh tranh “sòng phẳng” với Uber, Grab.
Các hãng taxi truyền thống đều nhìn nhận ứng dụng gọi xe là “vũ khí” tối ưu để nâng cao sức cạnh tranh. Đến nay, đã có 7 đơn vị của Việt Nam được chấp thuận tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Vinasun Taxi, Mai Linh Taxi, Thành Công, Vic Taxi,… là những ứng dụng dễ đàng được tìm thấy trên AppStore (Apple) và Play Store (Google).
Ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc công ty CP Mai Linh miền Bắc, cho rằng: “Phát triển và ứng dụng công nghệ là bắt buộc trong xu thế hiện nay. Taxi truyền thống nếu ứng dụng phần mềm sẽ đạt được nhiều lợi ích, vừa nâng cao sức cạnh tranh vì có sẵn hạ tầng, vừa cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới hạ giá cước”.
Về dịch vụ, mới đây, Vinasun đã đưa thêm tính năng thông báo số tiền cước, đảm bảo quyền lợi khách hàng và áp dụng công nghệ chatbot tích hợp sẵn trên ứng dụng nhắn tin của Facebook nhằm hỗ trợ khách hàng đặt xe. Ngoài ra, Vinasun cũng đầu tư những mẫu xe đời mới để phục vụ những khách hàng có yêu cầu cao.
Các tên tuổi khác như Thành Công và Long Biên cũng đã có những xe “không mào”, taxi Mai Linh cũng triển khai thêm các ứng dụng M.Bike và M.Bike Premium với biểu tượng xe máy. Những thay đổi trên đang giúp các hãng taxi truyền thống nâng cao đáng kể sức cạnh tranh với Uber, Grab trong cuộc đua thị phần.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, kết quả khảo sát gần 700 người lứa tuổi từ 18-39 tại Hà Nội và Tp.HCM mới đây cho thấy cơ hội cho các hãng truyền thống vẫn còn, khi 75% người khảo sát cho biết vẫn sử dụng dịch vụ taxi của cả truyền thống lẫn ứng dụng đặt xe thông minh.
Nghiên cứu của Q&Me cũng chỉ ra rằng nếu giá cả về mức ngang bằng, các hãng truyền thống sẽ có ưu thế hơn Grab, Uber trong phân khúc khách gọi taxi dọc dường.
Chưa kể, một lượng khách hàng chưa quen sử dụng điện thoại thông minh vẫn đang dùng dịch vụ taxi truyền thống. Đây là lãnh địa mà các hãng taxi truyền thống cần tận dụng để bứt lên.
Hiến Nguyễn