Đó là những lý do khiến Dự thảo này trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị lần thứ 5, tức là đã được soạn đi soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu.
So sánh Nghị định 86 và Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 (Dự thảo ngày 31/7/2018), nhìn từ góc độ điều kiện kinh doanh (ĐKKD), bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá Dự thảo mới đang đưa thêm nhiều ĐKKD.
"Đẻ" thêm nhiều điều kiện vô lý
Cụ thể, dự thảo này mới cắt bỏ 12 nhưng lại bổ sung 85 ĐKKD. Trong đó, 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện bổ sung theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Góp ý về Dự thảo trên, đại diện công ty TNHH Thành Bưởi (Tp. HCM), cho biết còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính, gây khó khăn cho DN, can thiệp sâu vào việc kinh doanh của DN.
Dự thảo Nghị định thay thế không đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD mà còn làm tăng thêm nhiều ĐKKD rất vô lý, không giải quyết, đề cập đến những bất cập, khó khăn, trở ngại của DN.
Đại diện Thành Bưởi đặt câu hỏi: "Tại sao lại cấm trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau. Ví dụ, chúng tôi chỉ có một xe ô tô, ký hợp đồng với một DN hàng tháng đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Vũng Tàu khoảng 15 chuyến/ tháng. Nay với quy định này, chúng tôi phải mua thêm xe và tìm thêm khách hàng để đảm bảo xe không chạy quá 30% tổng số chuyến của xe đó trong một tháng có cùng thời điểm khởi hành và kết thúc".
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên), kiến nghị bỏ một loạt các quy định bất hợp lý mà Dự thảo trên đưa ra như: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được gom khách, không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe; đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe, đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng…
Theo đại diện công ty Hà Lan, các quy định này mang tính cảm tính, áp đặt và không có trong Luật Giao thông đường bộ, triệt tiêu những cái mới, bảo hộ cho DN xe tuyến cố định (không chịu đổi mới).
"Nếu để quy định này, chúng tôi đặt câu hỏi rằng có lợi ích nhóm hay không và có phải đây là chính sách mang tính chất "bức tử" xe hợp đồng hay không. Quy định đưa ra là để bảo hộ cho DN tuyến cố định", ông Hà nêu quan điểm.
Khẳng định những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển, luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật Basico, cho rằng đó là lý do khiến Dự thảo này đã được soạn đi soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu.
"Lúc nào Nghị định mới cũng suýt được ban hành nhưng do có vấn đề nên lại phải dừng. Phải chăng ngành giao thông không chỉ tắc đường mà còn tắc nghị định vì tư duy làm luật có vấn đề", ông Đức nói và cho rằng ngành này cần phải xem lại chứ không thể xây dựng Nghị định theo tư duy cũ.
Các hãng taxi truyền thống tiếp tục đòi công bằng với Grab |
Taxi truyền thống "kêu khóc"
Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo này là những quy định liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống. Hai loại hình vận tải này tiếp tục đưa ra những ý kiến trái chiều, gay gắt.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, bức xúc cho biết các DN kinh doanh taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm xe công nghệ như Uber, Grab cũng là kinh doanh vận tải như taxi nên phải chịu sự quản lý như taxi. Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh. "Buồn là khiếu nại của hàng nghìn lái xe taxi chính thống đã không được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 86", ông Hỷ nói.
Trình bày cụ thể, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho rằng về mặt bản chất kinh doanh, taxi truyền thống và Grab đều là taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại chia ra thành dịch vụ taxi và xe hợp đồng điện tử để từ đó áp đặt các ĐKKD khác nhau, tạo ra sự bất công trong kinh doanh.
Cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau nhưng xe taxi phải chịu 13 ĐKKD khắt khe (như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tốt, niên hạn xe…) còn xe hợp đồng điện tử thì không.
Riêng việc lách được quy định cấm đường đã khiến nhiều hành khách bỏ taxi sang gọi xe điện tử. Các lợi thế chi phí càng giúp cho loại hình xe này phát triển nhanh chóng, trong khi các DN taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng.
Thực tiễn vận tải hợp đồng điện tử Grab, Uber bản chất chính là taxi đặt qua phần mềm. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đến lần thứ 5, sau mấy năm chuẩn bị vẫn không có gì thay đổi khi chính thức trình lên Chính phủ đưa vào hợp thức hóa "xe hợp đồng điện tử" và "hợp đồng vận tải điện tử".
"Rất có thể đây là lần kiến nghị cuối cùng của các hiệp hội taxi trên cả nước trước "cơn lốc Grab" đang tung hoành trên đất nước Việt Nam", ông Quý chia sẻ.
Các DN taxi tiếp tục đề nghị xếp loại xe hợp đồng điện tử vào cùng loại hình với taxi điện tử tại Nghị định mới. Trường hợp không thể gộp chung hai loại hình này được, đề nghị quy định các điều kiện của xe hợp đồng điện tử giống taxi điện tử.
Trước những kiến nghị của taxi truyền thông, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Muốn hay không muốn, nó vẫn tồn tại.
"Chỉ khi nào xuất hiện nhiều cái mới, xã hội mới phát triển. Tôi mong muốn taxi truyền thống chuyển đổi tư duy. Muốn cạnh tranh với Uber và Grab, các DN taxi truyền thống không thể sử dụng công nghệ cũ truyền thống để cạnh tranh với xu hướng hiện đại mà phải có những công nghệ mới xuất hiện", ông Cung gợi ý.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM Khách hàng là người quyết định thành bại trong kinh doanh. DN bảo mình tốt nhưng người ta không dùng thì cũng chịu. Uber, Grab được người tiêu dùng chọn vì họ thuận tiện. Bởi vậy, DN taxi phải đặt câu hỏi với tư cách là khách hàng, dịch vụ của mình phải khác, tốt và an toàn hơn. Tôi một lần nữa kêu gọi taxi truyền thống hãy đổi mới tư duy. Chúng ta phải cạnh tranh, chứ cứ đòi cạnh tranh công bằng thì chính mình sẽ bị đánh bại. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Dự thảo Nghị định mới đưa nhiều ĐKKD hơn nghị định cũ, không phải cứ nhiều là xấu, tuy nhiên thêm một vài còn được, thêm hàng chục ĐKKD thì phải xem xét. Trong Luật Giao thông đường bộ nói tới dịch vụ vận tải và hỗ trợ vận tải. Tuy nhiên, Dự thảo này chưa chú ý tới dịch vụ hỗ trợ vận tải, bởi vậy chắc còn phải sửa nhiều. Ông Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của DN cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý để làm gì, tác dụng gì và tác dụng đó có bù đắp được cho chi phí của xã hội hay không. |