CTCP Masan Nutri- Science vừa chính thức khánh thành Dự án Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Sự kiện này là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan: Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sau cùng là tổ hợp chế biến công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC.
Loanh quanh với cơ hội lớn
Đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, cho hay người dân Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn về hàm lượng protein, năng suất tiêu thụ thịt còn thấp, chỉ đạt khoảng 40kg/ người/năm (tại Mỹ là hơn 100kg). Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam phải chi tiền mua thực phẩm cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với người Mỹ.
Ông Matthys van der Lely, Tổng Giám đốc ngành thịt Tập đoàn Masan Nutri – Science (MNS), bổ sung thêm: Tại thị trường Việt Nam, 98% thịt đang được cung cấp bởi các nhà sản xuất nội địa, chỉ 2% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, thịt chưa qua chế biến chiếm hơn 90%, chủ yếu tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành hàng thịt lợn nói riêng và ngành chăn nuôi đang là điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam. Thịt tươi được sản xuất theo công nghệ truyền thống, cảm tính và kinh nghiệm. Ngành hàng có giá trị 10 tỷ USD nhưng năm vừa rồi xuất khẩu (XK) không đáng kể.
Đây là "tử huyệt" dẫn đến trong vòng hai năm nhưng có tới hai cuộc khủng hoảng thịt lợn: Một cuộc khủng hoảng thừa, giá bán dưới mức giá thành; một cuộc khủng hoảng thiếu vì chưa có hình thức thương mại phù hợp, 54-55 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi.
Hai năm qua, ngành chăn nuôi đã có sự chuyển động mạnh và giải quyết khâu yếu nhất là chế biến mà Masan là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần chế biến vẫn theo cung cách truyền thống. "Con lợn vẫn eng éc nằm mổ như ngày xưa, rất không phù hợp. Giá thành cao, an toàn thực phẩm ở đâu. Không làm được điều này, chúng ta có lỗi với người dân Việt Nam, chứ chưa nói đến XK", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay, nếu năng lực sản xuất chỉ để cho người chăn nuôi sử dụng thì đã vượt trần. Do đó, việc tìm thị trường XK cho thịt lợn và sản phẩm chăn nuôi nói chung là con đường tất yếu.
Tiềm năng XK các sản phẩm chăn nuôi rất lớn, trong đó tiềm năng XK thịt lợn rất rõ ràng. Việt Nam phải đẩy mạnh XK lợn sữa và lợn choai ra các thị trường khu vực như Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cho công tác chế biến và giết mổ các sản phẩm khác từ lợn thịt. Nếu chỉ XK lợn choai và lợn sữa thì hiệu quả sẽ không cao vì mất đi quá nhiều chi phí về giống. Lợn sữa chỉ đạt trung bình 7 kg/con, lợn choai 40 kg/con nhưng lợn thịt hơn 1 tạ/con.
Đồng thời, ngành chăn nuôi cần quan tâm nhiều hơn vào chế biến sâu, có thể XK thịt đông lạnh, thịt mát sang các quốc gia gần hoặc là dạng thịt chín, thịt hun khói đã qua chế biến nhiệt…
Ngành chăn nuôi có giá trị hàng chục tỷ USD nhưng vẫn khó xuất khẩu |
Cần có DN "đầu tàu"
Tuy nhiên, ông Dương cho biết vấn đề khó nhất của ngành chăn nuôi vẫn là kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết sẽ giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chia sẻ lợi nhuận của những người tham gia vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, giết mổ và chế biến, tránh tình trạng không có được chuỗi liên kết, cuối cùng không có ngành hàng thịt lợn hay các ngành hàng thực phẩm có đủ sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Việt Nam có hàng triệu hộ nông dân, không thể hỗ trợ đến từng hộ nông dân mà phải thông qua các doanh nghiệp (DN), hiệp hội. Các chính sách hiện đang tập trung vào các chuỗi liên kết nên các chuỗi này phải phát huy tối đa hiệu quả, trung tâm đó là các DN. DN là đầu tàu, là người phát đi các khẩu lệnh và sẽ đưa lại các khẩu lệnh này cho những người chăn nuôi trang trại, nông hộ… làm theo tín hiệu của thị trường.
Cùng với thị trường trong khu vực, Cục Chăn nuôi cho biết, hướng đi của ngành chăn nuôi tiếp theo là tiếp cận các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.
"Lộ trình này nếu có sự vào cuộc của các DN lớn, được sự ủng hộ của Chính phủ, địa phương và người dân, chắc chắn chúng ta có thể đưa được các sản phẩm chăn nuôi sang các nước phát triển như chúng ta đã đưa gạo, cà phê, tiêu, điều… sang các nước trên thế giới", ông Dương nhấn mạnh.
Được biết, tại lễ khánh thành tổ hợp chế biến thịt của Masan đã có hai tập đoàn của Trung Quốc tham gia – với kỳ vọng nhập khẩu thịt lợn Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc cơ bản sử dụng các sản phẩm thịt lợn giống Việt Nam, do đó Bộ NN&PTNT đang tập trung hai nhóm giải pháp như phối hợp với Bộ Công Thương cùng bàn với phía Trung Quốc để đảm bảo các điều kiện quy chuẩn cũng như các thủ tục để thịt lợn có thể XK chính ngạch sang Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, nếu ngành chăn nuôi làm tốt khâu chế biến, trên cơ sở tạo chuỗi khép kín từ khâu nguyên liệu, chế biến và tổ chức thị trường, chúng ta có thể mở rộng thị trường ở phân khúc 100 triệu dân trong nước.
Đặc biệt, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Natiqad), cho rằng các DN đang quan tâm vào nông nghiệp và chuỗi giết mổ, sản xuất thịt cần phải đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là chuỗi lạnh sau giết mổ, bảo quản, vận chuyển phân phối lạnh để có giá thành thịt cạnh tranh, không cao hơn so với thịt tươi.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, nhấn mạnh trên cơ sở rà soát lại quy hoạch chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi sắp được ban hành, cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Các DN đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường chế biến XK để tổ chức cung ứng nguyên liệu đầu vào…
Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện XK vào thị trường khó tính Nhật Bản, ngành chăn nuôi cần tổ chức lại tất cả các ngành khác như thịt lợn, trứng vịt muối, trứng chim cút… theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó vai trò của các DN, hợp tác xã rất quan trọng.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Chúng ta phải ủng hộ các DN đầu tàu bằng các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng kiểm soát chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Một DN không thể làm được mà phải có vai trò của Nhà nước, tạo cho họ xây dựng ý thức chăn nuôi sạch, an toàn thì họ mới có vùng nguyên liệu tốt. Nhà máy giết mổ tốt mà vùng chăn nuôi không tốt, sản phẩm cuối cùng sẽ không tốt. Ts. Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi Đã tới lúc cần rà soát một cách tổng thể quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với chế biến. Trong đó, cần chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm mà các địa phương có lợi thế, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Trong trung hạn cũng như dài hạn, phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới XK sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Xuân Cường-Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việc sản xuất theo chuỗi sẽ giúp giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cạnh tranh. Hiện nay, tại châu Âu và Bắc Mỹ, giá thành thịt lợn đang thấp hơn chúng ta rất nhiều. Tôi tin tưởng nếu tập trung đẩy mạnh liên kết, từng bước một, chúng ta có thể đưa chăn nuôi Việt Nam tiếp tục phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu. |