Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc Quốc hội thông qua Luật Chăn nuôi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào ngày 19/11 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp ngành chăn nuôi trong thời gian tới phát triển theo hướng nền chăn nuôi công nghiệp, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu (XK).
Tỷ lệ xuất khẩu khiêm tốn
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi tháng 11 ước đạt 50 triệu USD, đưa giá trị XK 11 tháng ước đạt 508 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
10 tháng năm 2018, giá trị XK các sản phẩm từ gia cầm đạt 25,3 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá trị XK các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt lần lượt 2,76 triệu USD và 36,8 triệu USD, giảm 50,5% và giảm 47,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để thực hiện được kỳ vọng XK, ngành chăn nuôi còn nhiều việc phải làm. Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có 23.000 trang trại nhưng chỉ có 50 vùng an toàn dịch bệnh và 1.505 cơ sở an toàn dịch bệnh được Bộ công nhận. Tỷ lệ như vậy quá ít nên rất khó XK.
Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các thị trường ngày càng đặt ra yêu cầu cao về rào cản kỹ thuật, cụ thể là về vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Vào được thị trường đã khó, duy trì và phát triển còn khó hơn, đòi hỏi khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Vì vậy, để đẩy mạnh XK, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không chỉ phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật của thị trường mà cần không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.
Ví dụ từ ngành chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng muốn cạnh tranh không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm mà giá thành sản xuất phải rẻ – trong khoảng 20.000 - 35.000 đồng/kg hơi là hợp lý.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc HTX Dịch vụ – sản xuất – chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai), cho hay xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là giải pháp hữu hiệu để đưa các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đây là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững. Các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường chế biến XK để tổ chức cung ứng nguyên liệu đầu vào.
Xây dựng chuỗi liên kết là con đường giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu |
Chăn nuôi theo hợp đồng
Từ bài học chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện XK vào thị trường khó tính Nhật Bản, ngành chăn nuôi Việt Nam cần tổ chức lại tất cả các ngành hàng khác như thịt lợn, trứng vịt muối, trứng chim cút… theo mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó các doanh nghiệp, HTX đóng vai trò rất quan trọng.
Khuyến khích hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các DN, chủ trang trại lớn có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Nhà nước cần đóng vai trò trung gian để hỗ trợ, trọng tài, tạo dựng lòng tin cho các bên tham gia chuỗi liên kết.
Đặc biệt, đã đến lúc cần rà soát một cách tổng thể quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với chế biến. Theo đó, cần quy định vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi hoàn toàn. Có chính sách thu hút đầu tư ở các khu vực khuyến khích sản xuất chăn nuôi; xác định được quy mô phát triển cho từng vùng miền và cho từng địa phương trong trung hạn cũng như dài hạn, đảm bảo về môi trường.
Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm mà các địa phương có lợi thế, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Trong trung hạn cũng như dài hạn, Việt Nam phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới XK sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới ngày càng nhiều hơn.
Hơn nữa, ông Sơn cũng cho rằng cách tiếp cận về quản lý nhà nước trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn thể hiện tính "bao sân" của Nhà nước, chưa thấy vai trò và bóng dáng của các tổ chức xã hội nghề nghiệp (các hiệp hội ngành hàng, HTX…) trong quá trình giám sát, quản lý quá trình sản xuất, chế biến giết mổ và tiêu thụ trên thị trường.
Vì vậy, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thy Lê