Nhóm các nhà khoa học Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến tại Tp.HCM. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sữa đã được tăng lên, hiệu quả kinh tế cao hơn 10 - 20% và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
Cách làm hay
Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sữa ở các nông hộ, Dự án đã xây dựng công thức tính lượng thức ăn, hiệu quả kinh tế bằng phần mềm Microsoft Excel. Công thức tính lượng thức ăn cần cho ăn và lợi nhuận từ những thông tin như tháng vắt sữa, trọng lượng bò, sản lượng sữa, giá của các loại thức ăn… giúp tránh được tình trạng dư thừa thức ăn, hoặc cho ăn không đủ theo nhu cầu sản xuất của bò sữa.
Theo ông Lê Bá Chung - Chủ nhiệm Dự án nuôi bò sữa tiên tiến ở Củ Chi, từ những loại thức ăn sẵn có, người dân chỉ việc chọn loại thức ăn mà mình sẽ cho ăn trong ngày, phần mềm sẽ cho kết quả là lượng thức ăn cần thiết phải cho ăn để đáp ứng đủ theo từng nhu cầu của mỗi loại bò sữa. Ngoài ra, phần mềm còn tính được lợi nhuận từ giá thành của thức ăn và giá sữa.
Áp dụng mô hình mới, ngay từ khi mới thành lập, HTX đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích cho các hộ thành viên. HTX bước đầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm bằng việc ứng dụng công nghệ thông minh; sử dụng hầm biogas và hố ủ phân để tận dụng chất thải chăn nuôi.
Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Socodevi (Canada), Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, HTX đã xây dựng và đi vào vận hành Phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng sữa, góp phần bảo đảm kiểm soát chất lượng sữa và bảo vệ lợi ích chính đáng cho thành viên và người nông dân. Số mẫu sữa đạt chuẩn trên 95%.
Nhân viên của HTX được tập huấn tại phòng thí nghiệm về cách thức sử dụng máy phân tích chất lượng sữa; hướng dẫn, vận động, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện quy trình chăn nuôi, cách thức chăm sóc, kỹ thuật vắt sữa, vận chuyển sữa, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, thiết bị… của hộ thành viên nhằm bảo đảm chất lượng sữa.
Từ kết quả phân tích chất lượng sữa của các hộ thành viên, Ban lãnh đạo HTX đã đề ra hướng xử lý đối với những hộ không tuân thủ quy định về chất lượng sữa bằng hình thức: nhắc nhở, cảnh cáo và dán thông báo tại bảng thông tin của HTX; áp dụng chế tài xử phạt trừ tiền hoặc cắt hợp đồng giao sữa (nếu vi phạm nghiêm trọng, tổn hại uy tín chung của HTX).
Bên cạnh thu mua sữa cho các hộ chăn nuôi, HTX còn thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào như: Cung cấp thức ăn gia súc, hèm bia, xác mì với giá bán thấp hơn so với bên ngoài nhằm giúp người nông dân giảm giá thành, nâng cao thu nhập. Số lượng cung cấp khoảng 8.000 bao/tháng.
Hệ thống phun sương làm mát cho bò tại HTX Tân Thông Hội |
Góp phần giảm ô nhiễm môi trường
Việc sử dụng phần mềm vào tính khẩu phần ăn, rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ khoảng 46,67 ngày, nên mỗi hộ dân đã tiết kiệm tiền thức ăn được khoảng gần 5.000 đồng/con/ngày.
Sử dụng hầm biogas tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng (so với nấu gas công nghiệp). Sử dụng hố ủ phân tạo ra nguồn phân bón cho cây trồng, tiết kiệm được khoảng 150.000 đồng/tháng.
Các hộ chăn nuôi bò sữa tại đây cho biết vào buổi trưa, bò thường bị stress, ảnh hưởng đến năng suất sữa. Sau khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi tiên tiến, bò không còn bị stress, cho lượng sữa ổn định, năng suất tăng khoảng 10 kg/ngày.
Ngoài hiệu quả kinh tế thu được như trên, các mô hình thử nghiệm còn thu gom chất thải rắn để bán tăng thu nhập hoặc bón cho cây trồng làm gia tăng hoặc góp phần cải tạo thành phần dinh dưỡng đất, giảm chất thải, mùi hôi ra môi trường.
Thành công của HTX là sự lan tỏa tự nhiên về nhận thức của người chăn nuôi bò sữa gắn với bảo vệ môi trường (hệ thống biogas) đã và đang được người chăn nuôi bò sữa hưởng ứng.
Theo ông Ngô Phúc Nhận - Trưởng ban Kiểm soát HTX Tân Thông Hội, HTX đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM để hỗ trợ nhân rộng mô hình nói trên. Với tổng chi phí để ứng dụng mô hình này khoảng 20 triệu đồng, người dân đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ 50%.
Hà Xuyên