Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025: Cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra ngày 21/11, các chuyên gia khẳng định việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ tác động sâu, rộng tới nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Không nên quá kỳ vọng
Theo đó, Hiệp định EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến tăng thêm khoảng 44,4%; XK sang các nước trong CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%.
Ngoài ra, 2 FTA này cũng có tác động tích cực tới lao động; trong đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Tác động tích cực từ EVFTA và CPTPP còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, do đó kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) xây dựng 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021- 2025. Kịch bản 1 với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm.
Kịch bản 2, nếu Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút đầu tư có sự cải thiện chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại, kỳ vọng GDP tăng trưởng 7,5%/năm.
Tuy nhiên, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia), cho rằng: “Với các FTA, không nên quá kỳ vọng vào câu chuyện cắt giảm thuế quan, bởi khi đã ký quá nhiều FTA thì việc cắt giảm thuế quan chỉ giúp Việt Nam tránh được thiệt hại so với các nước xung quanh. Tác động tích cực nhất mà các FTA có thể đem lại là việc tạo ra môi trường đầu tư và thể chế tốt”.
Theo ông Thắng, các FTA khác tác động thay đổi cơ cấu thương mại với các đối tác không nhiều. Nếu như nói mục tiêu tham gia ký kết các FTA là đa dạng hóa thị trường thì cơ cấu đến nay chưa thể hiện được điều đó. Ví dụ thị trường Hàn Quốc có tác động từ VKFTA, nhưng nhập khẩu từ Hàn Quốc đến nay tăng mạnh, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc cao. Hay như Việt Nam XK hàng hóa sang Trung Quốc tăng lên trong vài năm đây, nhưng nhập khẩu lại tăng nhiều hơn.
Riêng với EVFTA, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp cho rằng đây có thể là một “cú hích” cho nền kinh tế bởi mức độ bổ sung giữa hai nền kinh tế Việt Nam và EU là rất lớn.
Dự kiến XK sang EU đến năm 2030 tăng thêm khoảng 44,4% |
“Cú hích” cho nền kinh tế
“Song, việc chúng ta có tận dụng được tỷ lệ xuất xứ của hàng Việt Nam sang EU hay không và sự chống chịu của Việt Nam trước những tác động tiêu cực của Hiệp định này lại là vấn đề đáng phải lưu ý”, ông Thắng đánh giá.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài luôn kỳ vọng về tác động XK và cải thiện tỷ lệ xuất xứ trong nước, nên nhiều doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế FTA.
Đánh giá tác động của CPTPP và EVFTA tới đầu tư, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp cho rằng 2 hiệp định này đều có cam kết cao hơn so với khuôn khổ WTO về mở cửa đầu tư, bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp.
Về mặt định tính, EVFTA và CPTPP có thể giúp tăng khối lượng đầu tư nhằm tăng XK vào thị trường của các đối tác Việt Nam; tăng đầu tư vào các ngành thượng nguồn nhằm khai thác cam kết về tỷ lệ xuất xứ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam…
“Về cơ bản, rất nhiều ngành được hưởng lợi, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày…, nhưng với các ngành thâm dụng vốn, công nghiệp nặng lại tác động khá tiêu cực. Hiện có rất ít thông tin về các nhóm không được hưởng lợi, như ngành công nghiệp, sữa…; rồi kiểm soát các FDI bùng nổ khi đầu tư như thế nào, mặt bằng sản xuất, bảo đảm môi trường; cơ chế để giải quyết vấn đề đó như thế nào… Thời gian tới, đây có thể là những điểm cần bàn”, ông Thắng nói.
Tuy Việt Nam có thể nhanh chóng cải thiện năng lực cạnh tranh ở quy mô thị trường, lao động, nhưng những chỉ số cốt lõi như hạ tầng, sáng tạo, mức độ sẵn sàng về công nghệ lại là những điều đáng lo ngại và cần có thời gian.
“Chúng ta đã ký tương đối nhiều FTA. Câu chuyện không phải là tiếp tục ký thêm các hiệp định khác, mà ở việc tận dụng các FTA đã ký thế nào, cải thiện tỷ lệ xuất xứ thông qua công nghiệp phụ trợ, thu hút đầu tư như thế nào…”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp khuyến nghị 3 vấn đề cốt lõi trong thời gian tới: Nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do vậy, cần đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, tận dụng tối đa các lợi ích “bắt kịp” từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu…
Theo các chuyên gia, nhìn chung mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu.
Huyền Anh
Bà Elisa Cavasese - Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistics còn cao; XK vẫn phụ thuộc và nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu… là những điểm còn hạn chế của nền kinh tế Việt Nam. Ts. Trần Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia Các Hiệp định EVFTA và CPTPP có tác động tích cực tới thị trường lao động; trong đó, những ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày là những ngành dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, tác động tích cực từ các hiệp định này còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Do đó, kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn. Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương Đến nay, ngoài Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã ký kết 12 FTA, nhưng EVFTA có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, khi Việt Nam đạt được trình độ nhất định, Hiệp định này sẽ giúp sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh được ở châu Âu, tham gia vào chuỗi giá trị. Tất nhiên, song hành cùng cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Vì vậy, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. |