Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt hàng loạt doanh nghiệp như Đất Xanh, Phúc Đạt, Rạng Đông... với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
"Trát phạt" liên tiếp
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) bị UBCKNN xử phạt tổng số tiền lên tới 515 triệu đồng do không công bố đầy đủ và đúng thời hạn một số thông tin quan trọng liên quan đến ông Lương Trí Thìn, nguyên Chủ tịch HĐQT, cũng như việc thay đổi phương án sử dụng vốn mà không thông qua đại hội cổ đông.
UBCKNN xử phạt hàng loạt trường hợp liên quan tới công bố thông tin, BCTC. |
Cùng với Tập đoàn Đất Xanh, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai (DGT) vì nhiều vi phạm.
Theo đó, CTCP Công trình Giao thông Đồng Nai bị xử phạt 92,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định, đồng thời công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu.
Ngoài ra, Công trình Giao thông Đồng Nai còn bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Tổng mức phạt tiền đối với Công trình Giao thông Đồng Nai là 242,5 triệu đồng.
Tương tự, UBCKNN vừa ra án phạt hơn 240 triệu đồng với Rạng Đông Holding (RDP), còn được biết đến với tên Nhựa Rạng Đông. Đáng chú ý là khoản phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch.
Báo cáo tài chính (BCTC) do công ty tự lập ghi nhận khoản lãi hợp nhất hơn 26 tỷ đồng năm 2023, trong khi báo cáo kiểm toán cho thấy công ty lỗ tới gần 147 tỷ đồng. Báo cáo của riêng công ty mẹ cũng có chênh lệch tương tự.
Trong khi đó, đối với CTCP Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu (Promexco), UBCKNN đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 462 triệu đồng với một loạt sai phạm, trong đó có liên quan tới việc báo cáo thông tin.
Gần nhất, CTCP Dược phẩm Hải Phòng (Haipharco, mã: DPH) bị xử phạt do chậm công bố thông tin các BCTC và tài liệu quan trọng trên hệ thống thông tin của UBCKNN cũng như trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Với tình tiết tăng nặng do vi phạm lặp lại, công ty bị xử phạt số tiền 65 triệu đồng.
Câu chuyện lặp lại
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, công ty đại chúng không công bố thông tin, BCTC là vi phạm quy định về cáo bạch thông tin khiến nhà đầu tư có thể nghi ngờ về khả năng vụ lợi.
BCTC là một trong những loại thông tin mà doanh nghiệp niêm yết phải công bố. Qua báo cáo, các “chỉ số sống” của doanh nghiệp hiện lên rõ và là cơ sở tin cậy để doanh nghiệp quyết định chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, điều này bị nhiều doanh nghiệp xem nhẹ, né công bố BCTC, gây lo lắng cho nhà đầu tư.
Thực tế, khi công ty đại chúng đưa ra BCTC đòi hỏi sự thận trọng nhất định. Lý do là nếu chỉ số tài chính của doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và dễ thu hút dòng vốn; cổ phiếu giao dịch sẽ sôi động. Trường hợp doanh nghiệp thông tin sai lệch, người công bố thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, uy tín.
Nhà đầu tư thông thường không có đủ thời gian, khả năng hiểu biết thực tế về doanh nghiệp luôn hạn chế, do đó, các loại thông tin về "sức khỏe tài chính" của doanh nghiệp trên BCTC luôn là căn cứ quan trọng nhất để họ tìm hiểu, ra quyết định giao dịch cổ phiếu. Khi không có được thông tin đầy đủ, nhà đầu tư sẽ rơi vào rủi ro, đầu tư như bị che mắt, lạc hướng, vì thế rất nhiều người từng bị doanh nghiệp thao túng chứng khoán “úp sọt”.
Mặt khác, có thể thấy một điều rất phổ biến là mỗi khi công bố BCTC kiểm toán hoặc soát xét thường xảy ra sự chênh lệch lợi nhuận với báo cáo do công ty tự lập.
Còn nhớ, thị trường từng xôn xao với việc Novaland, một doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng với các siêu dự án hàng nghìn ha công bố báo cáo bán niên 2024 soát xét. Từ khoản lãi trên 300 tỷ đồng nửa đầu năm theo báo cáo công ty tự lập, đến báo cáo được soát xét thì công ty lỗ tới 7.300 tỷ đồng, tức lợi nhuận đã giảm hơn 7.600 tỷ đồng chỉ trong nửa năm. Đó là một con số khủng khiếp với bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào.
Thật ra, chênh lệch báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán, soát xét là khó tránh khỏi. Bởi kiểm toán viên của công ty kiểm toán hay kế toán viên của doanh nghiệp đều là con người với những quan điểm khác nhau về cách ghi nhận. Tuy nhiên, một khi chênh lệch đó là trọng yếu, đáng kể, ảnh hưởng tới bức tranh tài chính thực tế của công ty, thì các cơ quan quản lý phải ra tay chấn chỉnh.
Một chuyên gia cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp có động cơ để đưa ra một "báo cáo đẹp" với các khoản lợi nhuận kếch xù nhưng không hợp lý. Động cơ đó thường là mâu thuẫn với lợi ích của cổ đông. Và điều đó cần phải chấm dứt.
Theo đó, nỗi lo sợ của nhà đầu tư trước thông tin méo mó, doanh nghiệp thao túng một số cổ phiếu từng diễn ra vẫn đang hiện hữu, nhất là khi danh sách doanh nghiệp bị phạt vì công bố thông tin sai lệch, chậm ngày càng dài.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý phải bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ trước sự thao túng của lãnh đạo doanh nghiệp. Những trường hợp phạt như với nhiều doanh nghiệp vừa qua cần được phát huy và mở rộng hơn đối với nhiều doanh nghiệp khác có mức độ vi phạm nhẹ hơn. Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ chính là cách để bảo vệ thị trường, thu hút vốn vào thị trường chứng khoán. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hải Giang