Liên quan đến thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), luật sư Vũ Xuân Hưng, Trọng tài viên, Phó trưởng Phòng Pháp chế Trọng tài – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.HCM, cho biết trong Nghị quyết 72/2018/ QH14 của Quốc hội có ghi rất rõ là các bộ ngành cần phải làm gì.
Yêu cầu bắt buộc
Điều 3 của Nghị quyết nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Ông Hưng cho biết chưa có hiệp định nào mà việc triển khai thực hiện nhanh như CPTPP. Gần đây nhất là Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP (có hiệu lực kể từ ngày 8/3/2019); hoặc có nhiều điều luật về hải quan cũng tương thích với CPTPP.
"Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra chuyên ngành thì vẫn đang triển khai, khi mà bị "kêu" rất nhiều. Chẳng hạn như giấy phép nhập khẩu có rất nhiều bộ ngành tham gia. Một số vấn đề liên quan khác cũng đang từ từ triển khai. Qua theo dõi thời gian gần đây thấy có sự chuyển động khá mạnh với việc ban hành liên tục các văn bản", ông Hưng chia sẻ.
Đơn cử Bộ Tài chính đang có bản dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP. Điều mà các doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm ở nghị định này là điều kiện áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi như thế nào, hoặc việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa.
Chẳng hạn như danh mục và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan và thời hạn hiệu lực cũng như mức thuế suất của từng dòng hàng cụ thể.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đặt ra một câu hỏi với ông Hưng: "Liệu những người làm chính sách có thực sự điều chỉnh theo các nội dung của CPTPP hay không hay là chỉ làm cho có?".
Trả lời câu hỏi này, ông Hưng nhấn mạnh việc điều chỉnh theo CPTPP là yêu cầu bắt buộc. Cái khó là DN trong nước thường áp dụng luật lệ hơi khác các nước, tức là vừa có luật lại vừa có "lệ", thậm chí việc áp dụng "lệ" của DN còn nhiều hơn cả luật. Thời gian qua, Việt Nam đã phải sửa nhiều điều luật để tương thích với thế giới.
Chuyển hóa các FTA mới vào nội luật đòi hỏi cần cải cách |
Quan trọng là cải cách
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hà (Đại học Ngoại thương), quá trình thực thi các FTA cho thấy Việt Nam gặp không ít khó khăn và thách thức về mặt pháp lý. Trong đó có các khó khăn, thách thức trong việc chuyển hóa các quy định của FTA vào nội luật, đặc biệt khi Việt Nam bước vào giai đoạn thực thi một số FTA thế hệ mới quan trọng như CPTPP từ đầu năm 2019 và FTA Việt Nam – EU (EVFTA) trong tương lai gần.
Tính đến tháng 12/2018, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, nhiều văn bản khác nhau đối với từng lĩnh vực cụ thể để thực thi các cam kết của mình trong các FTA nói chung và FTA thế hệ mới nói riêng.
Thương mại hàng hóa là lĩnh vực mà việc nội luật hóa được thực hiện một cách nhanh chóng và rõ ràng nhất. Các quy định được chuyển hóa vào nội luật chủ yếu liên quan đến hai lĩnh vực chính là các cam kết về thuế và quy tắc xuất xứ.
Mặc dù vậy, một số quy định pháp luật trong nước sau khi nội luật hóa vẫn chưa tương thích hoặc chưa chuyển hóa đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong các FTA.
Điển hình là các quy định về phòng vệ thương mại. Giới chuyên gia cho rằng Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 vẫn hàm chứa một số điểm chưa tương thích hoặc chưa chuyển hóa đầy đủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và FTA về phòng vệ thương mại.
Chẳng hạn như tại Điều 23 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đưa ra nhiều tiêu chí để xác định thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước tại các điểm a, b và c của khoản 1.
Trong đó, các tiêu chí được thể hiện trong điểm c chưa chuyển hóa một cách đầy đủ các tiêu chí được nêu tại điều 3.4 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO và các quy định tương tự trong các FTA đã có hiệu lực của Việt Nam.
Hoặc như các cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ (gồm các cam kết về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia), sau khi nội luật hóa vẫn thể hiện nhiều điểm không tương thích với các cam kết.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Hà cho rằng thời gian tới, Bộ Tư pháp và các Bộ chuyên ngành cần đảm bảo quá trình chuyển hóa FTA không gây ra khó khăn, cản trở cho hoạt động của DN, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như xem xét chuyển hóa FTA theo hướng cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Thế Vinh