Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) lớn chế biến dừa xuất khẩu, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco), cho biết tới giờ này bản thân ông cảm nhận Thái Lan vẫn đi trước Việt Nam rất nhiều về mặt công nghệ chế biến và công thức hóa các sản phẩm. Họ lúc nào cũng dẫn dắt thị trường dừa từ nước dừa, cơm dừa, sữa dừa…cho đến các sản phẩm tiện ích từ nước cốt dừa, họ đều đi trước mình.
Học cách làm của người Thái
Như chia sẻ của ông Đức, phía Thái Lan có năng lực về chế biến, đổi mới sáng tạo rất tốt. Họ có năng lực R&D, có tầm nhìn đi trước về công nghệ chế biến rất cao. Đơn cử như mỗi lần tham dự Thaifex (triển lãm thực phẩm và đồ uống quốc tế hàng đầu châu Á tại Thái Lan) là họ có một sản phẩm mới rất đa dạng.
Để tăng giá trị cho nguyên liệu bản địa đòi hỏi các DN và hợp tác xã phải học hỏi nhiều. |
Theo chủ tịch của Beinco, đầu tư của DN dừa ở Thái Lan cho R&D rất chuyên nghiệp, rất căn cơ. Chính từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm như vậy họ tạo ra được rất nhiều sản phẩm, tạo ra các chủng loại sản phẩm đa dạng hỗ trợ lẫn nhau rất tốt.
Còn đứng ở góc độ là Chủ tịch Nhóm DN Giao thương sản phẩm OTOP Thái Lan (OTOP là chữ viết tắt của “One Tambon One Product” – Dự án hỗ trợ các hợp tác xã cộng đồng ở các đơn vị trực thuộc huyện trên khắp Thái Lan), ông Watcharapong Radomsittipat đã dẫn chứng cho việc tăng giá trị nguyên liệu bản địa của Thái Lan từ trái sapôchê (hồng xiêm).
Ở Thái Lan vốn dĩ người ta không thích ăn sapôchê, thậm chí vứt bỏ. Nhưng theo ông Radomsittipat, những người làm OTOP không nghĩ thế, họ nói chuyện với người nông dân xem có thể làm ra sản phẩm gì từ những trái sapôchê mà không phải vứt đi. Trước tiên, rất đơn giản họ làm một hộp rất đẹp, bỏ những trái sapôchê vào để bán theo hộp. Ban đầu 3.500-4.000 đồng một chục. Sau khi bỏ vào hộp đã bán được 100 bath (70.000 đồng).
Qua đó, vị Chủ tịch Nhóm DN Giao thương sản phẩm OTOP Thái Lan cho rằng yếu tố bán được giá ở đây là phải có thương hiệu. Có câu chuyện. Có nhãn mác của vùng miền. Người nông dân họ không biết sản phẩm họ có giá trị. Chính phủ sẽ phải là người cho họ kiến thức để làm cho sản phẩm của họ có giá trị. Rồi từ đó phát triển sản phẩm theo cách cao cấp hơn, làm thành kem sapôchê. Một hộp kem sapôchê bán được 50 bath (35.000 đồng). Như vậy, từ chỗ vứt đi, một quả sapôchê (hồng xiêm) đã bán được với giá 35.000 đồng.
Từ câu chuyện nêu trên, khi giao lưu cùng giới DN ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024 (diễn ra ở An Giang trong hai ngày 17, 18/12), ông Radomsittipat nhấn mạnh trước khi làm một sản phẩm OTOP từ nguồn nguyên liệu bản địa, người Thái đã xác định rất rõ ràng là có thể bán được không, cạnh tranh được không, có tính sáng tạo hay không, rồi bán ở đâu, bán ở chỗ nào. Họ cũng rất linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường, dựa vào thế mạnh của từng đơn vị, từng sản phẩm chứ không có một công thức cứng nhắc.
Theo ông Radomsittipat, OTOP là chiến lược quan trọng giúp người nghèo khắp đất nước ở Thái Lan. Không chỉ mở trường dạy về OTOP, hỗ trợ về kiến thức và kỹ thuật, chính phủ Thái Lan còn có những hỗ trợ về tài chính và trang bị những thiết bị kỹ thuật đòi hỏi chi phí cao. Họ sẽ đi xem người dân có cái gì, có thể làm gì được từ những thứ họ có, chính phủ có thể giúp gì người nông dân để tạo ra sản phẩm cạnh tranh hơn.
Đừng để như “công chúa đang ngủ trong rừng”
Xét từ câu chuyện tăng giá trị nguyên liệu bản địa ở Thái Lan sẽ thấy các DN Việt cần học hỏi nhiều trên chặng đường nâng cấp nông đặc sản địa phương để vươn xa hơn, có giá trị gia tăng cao hơn.
Như bày tỏ của ông Trần Văn Đức: “Chúng tôi đang học theo người Thái trong việc đầu tư nghiên cứu và đa dạng hóa sản phẩm, bằng chứng là hiện công ty đã có hơn hai mươi sản phẩm, một chủng loại cũng có tới 4-5 sản phẩm”.
Theo ông Đức, từ thực tế thị trường có thể thấy những DN dù có thể có tuổi đời lâu năm mà không đầu tư R&D thì cũng khó có thể đi xa. Xu thế hội nhập bây giờ đòi hỏi DN phải luôn nghiên cứu, luôn đổi mới sáng tạo mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng và thay đổi thường xuyên của người tiêu dùng. Chúng ta không thể nào thỏa mãn với sản phẩm của mình, bởi vì một sản phẩm hôm nay bán tốt, nhưng ngày mai chưa chắc đã bán được. Do đó, cần coi R&D là ưu tiên hàng đầu, liên tục cho ra sản phẩm mới.
Nói riêng về nguyên liệu bản địa là trái dừa, theo Ts. Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), vấn đề bây giờ là phải làm cách nào nâng cao giá trị của nó. Để làm sao một trái dừa có thể bán được 10 USD, 100 USD như cách người Nhật, người Thái bán trái cam, trái chôm chôm vậy. Nhất là là cần phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa, rồi nghiên cứu, tìm cách khai thác các giá trị dược liệu từ trái dừa từ những kinh nghiệm và kiến thức bản địa, tạo ra một nét đặc sắc không đâu có từ trái dừa ở “thủ phủ dừa” Bến Tre.
Hoặc như ở mảng dược liệu, bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm OPC, lưu ý với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển dược liệu thành ngành kinh tế chiến lược, thế nhưng kinh tế dược liệu vẫn đang như “nàng công chúa còn ngủ trong rừng” khi chúng ta chưa khai thác tối ưu tiềm năng to lớn từ nguồn nguyên liệu bản địa.
Cần nhắc thêm, theo Global Industry Analyst, ngành thảo dược toàn cầu được dự đoán sẽ đạt doanh thu 179 tỷ USD vào năm 2026. Tức là còn dư địa rất lớn về thị trường nếu Việt Nam có thể phát huy được thế mạnh về nguồn dược liệu bản địa của mình. Tuy nhiên, điểm yếu về mặt chế biến dược liệu vẫn là điều đáng lưu tâm khi cả nước chỉ có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO).
Để tăng giá trị cho nguyên liệu bản địa làm dược liệu, bà Hương đề xuất chính quyền địa phương nên sớm có quy hoạch những vùng trồng trên địa bàn. Một quy hoạch rõ ràng sẽ giúp DN rất nhiều trong việc định ra các chiến lược, kế hoạch của mình khi đầu tư. Hơn nữa, chính quyền cần tạo điều kiện cho DN xây dựng cơ sở sơ chế, biến dược liệu tại cụm vùng trồng nguyên liệu.
Tựu trung, nếu trông người mà ngẫm đến ta thì còn nhiều việc phải làm để tăng giá trị cho nguyên liệu bản địa của Việt Nam. Lẽ đương nhiên, để nguồn nguyên liệu bản địa không như “công chúa đang ngủ trong rừng” là phải “đánh thức” và thổi vào đó luồng gió mới từ R&D, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các hợp tác xã, đa dạng chế biến sâu và tạo các giá trị cốt lõi về thương hiệu nhằm đưa sản phẩm vươn xa.
Thế Vinh