Tham dự Diễn đàn Đầu tư - Thương mại Tp.HCM và Khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc gồm Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 17/12, Ts. Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông và là Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, cho biết rất vui khi được dẫn đầu đoàn 60 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực khác nhau từ Vùng Vịnh Lớn sang Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh, đầu tư và tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
Chỉ dấu mức độ hấp dẫn
“Tôi đặc biệt tin tưởng rằng, họ chắc chắn sẽ đều ấn tượng với sự hấp dẫn, cũng như vô số các cơ hội kinh doanh và đầu tư tiềm năng trên dải đất hình chữ S này”, ông Jonathan Choi nói.
Việc tạo “lực hấp dẫn” mới trong mắt các nhà đầu tư ngoại là rất quan trọng để đón nhận làn sóng mới chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong năm 2025 sắp tới. |
Xét về mức độ đầu tư của các DN ở Khu vực Vịnh Lớn vào Việt Nam, tính riêng Hồng Kông (Trung Quốc) đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,68 tỷ USD, chỉ đứng sau Singapore và Nhật Bản. Xu hướng này tiếp tục được duy trì trong 7 tháng đầu năm 2024, khi Hồng Kông trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 của Việt Nam, với hơn 2,19 tỷ USD.
Việc giới đầu tư Trung Quốc “đổ bộ” đến Tp.HCM trong tháng cuối cùng của năm 2024 như một chỉ dấu cho thấy mức độ hấp dẫn mới của Việt Nam để đón nhận làn sóng mới dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể diễn ra trong năm 2025 sắp tới.
Và như dự báo của giới chuyên gia, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tăng mạnh vào năm 2025, với tỷ lệ giải ngân có thể vượt 30 tỷ USD. Điều đó sẽ nhờ những “lực hấp dẫn” mới như cải cách chính sách đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, cũng như “làn gió mới” từ các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics…
Triển vọng này có thể thấy rõ từ kết quả khảo sát mới công bố của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) với tỷ lệ DN trả lời sẽ “mở rộng” tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới là 56,1%, duy trì mức cao nhất trong khu vực ASEAN.
Hoặc như khảo sát được đưa ra trong tháng 12/2024 từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam) cho thấy 35% DN Đức có kế hoạch tăng đầu tư tại Việt Nam (tăng so với 24% trong cuộc khảo sát cùng kỳ năm trước).
Theo AHK, 81% DN tham gia khảo sát bày tỏ sự hài lòng với hoạt động hiện tại. Ngoài ra, 54% DN tin tưởng vào tốc độ phát triển ổn định của Việt Nam, 54% có kế hoạch giữ nguyên quy mô lao động, và 35% dự định tuyển thêm nhân sự trong năm tới.
AHK cho biết năm 2024, đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, thể hiện quan hệ hợp tác ngày càng vững mạnh giữa hai quốc gia. Với hơn 530 DN Đức đang hoạt động tại Việt Nam, quốc gia này tiếp tục là thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Đức. Các DN Đức đã đầu tư với 3,6 tỷ USD, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, công nghệ cao, logistics, và năng lượng tái tạo – một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Dù có thách thức, theo AHK, các DN Đức vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng lớn tại thị trường Việt Nam. Hơn một nửa (53%) DN khảo sát nhận thấy vị thế cạnh tranh tích cực trong 5 năm qua.
Thúc đẩy các động lực dài hạn
Trong báo cáo cập nhật về kinh tế vĩ mô hôm 16/12, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Điều này được thúc đẩy bởi các động lực dài hạn như lợi thế về chi phí và nguồn lao động dồi dào, chính sách khuyến khích môi trường đầu tư, tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid.
Bên cạnh đó, theo Mirae Asset, Việt Nam tiếp tục thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư đặc biệt cho các dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và công nghệ cao. Điều này dựa trên 3 yếu tố: Thứ nhất là Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số tiếp tục ưu đãi cho DN.
Thứ hai là xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút dự án đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử (Quyết định số 1018, ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Thứ ba là thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bán dẫn, công nghệ cao thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án (theo dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đã được thông qua tại Quốc hội).
Ngoài ra, đứng ở góc độ chuyên gia kinh tế, xét riêng về việc thu hút các “đại bàng” công nghệ vào Việt Nam (điển hình là các nhà đầu tư Mỹ) trong thời gian tới, Ts. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT), cho rằng cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung đang thúc đẩy Mỹ mở rộng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Với tiềm năng về nhân lực và sự năng động trong đổi mới, Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng để thu hút đầu tư và công nghệ.
Ông Tuấn nhận định chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty Mỹ tìm kiếm đối tác mới tại Việt Nam. Với lợi thế về chi phí cạnh tranh và vị trí chiến lược, Việt Nam đã thu hút nhiều khoản đầu tư lớn, điển hình như từ Intel và Samsung. Trong tương lai, các DN này có thể tiếp tục mở rộng hoạt động liên quan đến sản xuất chip bán dẫn và công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Song song đó, xét riêng về mảng AI, vị chuyên gia của RMIT cũng lưu ý nếu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về năng lực công nghệ và hạ tầng, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị AI toàn cầu là rất lớn. Các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia, với nguồn lực nhân sự dồi dào hơn, có thể trở thành điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư thay vì Việt Nam.
“Chuyến thăm của ông Jensen Huang, thương vụ VinBrain, và sự thay đổi trong chính sách AI toàn cầu trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump tạo cơ hội to lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị AI toàn cầu, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức đòi hỏi sự cải cách và đầu tư mạnh mẽ. Để tận dụng thuận lợi và khắc phục khó khăn, Việt Nam cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý, và tăng cường hợp tác quốc tế. Với chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm AI hàng đầu khu vực trong tương lai”, Ts. Chu Thanh Tuấn nói.
Thế Vinh