Được cho là để "đón sóng" các FTA thế hệ mới, cũng như tránh rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhiều nhà máy từ Trung Quốc gần đây đã dời sang Việt Nam và ồ ạt tuyển dụng lao động.
Theo báo cáo của công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, trong quý I/2019, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất…
Nguy cơ phát sinh
Theo Navigos Search, nhiều dự án các nhà máy mới vào Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhân sự lên gấp đôi hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp… Đây cũng là thách thức tuyển dụng và giữ chân nhân tài trong công nghiệp sản xuất do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc.
Dự báo từ năm 2020 trở đi, với các FTA thế hệ mới, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trung bình mỗi năm sẽ tạo ra cho thị trường Việt Nam 17.000 – 27.000 việc làm mới, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) có thể sẽ tạo ra khoảng 18.000 – 19.000 việc làm.
Với CPTPP và EVFTA, theo dự báo, thời gian đầu, người lao động (NLĐ) trong nước thuộc ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… duy trì được việc làm và có cơ hội thu nhập cao hơn, sau đó cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động trình độ cao hơn.
Mặc dù vậy, nguy cơ mất việc ở những lao động có tay nghề thấp vẫn là một nỗi lo lớn. Mới đây, khi góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ băn khoăn về việc CPTPP tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp (DN) có công nghệ sản xuất lạc hậu, không cạnh tranh nổi sẽ phá sản, dẫn đến một bộ phận NLĐ mất việc.
Hơn nữa, NLĐ, DN khi tham gia hội nhập sẽ chịu những bất lợi từ việc mở cửa thị trường. Lúc đó, hàng hóa của các nước, nhất là một lượng lớn hàng tiêu dùng chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam cộng với tâm lý sính hàng ngoại sẽ khiến DN trong nước thêm khó khăn có thể phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, mặc dù số việc làm của một số ngành nghề có thể tăng lên.
Mặt khác, tăng giờ làm thêm vẫn còn gây tranh cãi khi sửa đổi Bộ luật Lao động. Có ý kiến cho rằng công nhân tại các khu công nghiệp muốn được làm thêm để cải thiện thu nhập, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành (không quá 200-300 giờ/ năm) để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Có thể nói, sức khoẻ của NLĐ trước các FTA thế hệ mới là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Vừa qua, ở Tp.HCM, để hướng giới DN cải thiện sức khoẻ NLĐ, CTCP Tập Đoàn Những Trái Tim Vàng đã chính thức công bố Giải thưởng đầu tiên vinh danh sức khoẻ DN Việt – Vietnam Health Award 2019.
Cần những chính sách mới về lao động đáp ứng các FTA thế hệ mới |
Đáp ứng cam kết
Ông Lý Trường Chiến, Trưởng ban cố vấn giải thưởng, nhấn mạnh việc cần đưa tiêu chuẩn chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến gần với DN Việt hơn nhằm xây dựng các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NLĐ mang tính hệ thống.
Theo chuyên gia Phùng Thị Yến (Đại học Ngoại thương), khi đánh giá mức độ tác động của các cam kết lao động trong EVFTA, có ý kiến lo ngại sự vi phạm về các tiêu chuẩn lao động mà phổ biến nhất là NLĐ làm thêm quá số giờ quy định, DN thực hiện không đúng về nghỉ tuần, nghỉ lễ…; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động, đa số các DN không đầu tư và chủ động áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa.
"Thậm chí có DN chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của NLĐ, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, chưa hỗ trợ lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ…", bà Yến lưu ý.
Nhóm nghiên cứu Ngô Quốc Chiến và Đào Kim Anh (Đại học Ngoại thương) cho rằng cùng với việc soạn thảo, xây dựng các điều luật liên quan đến lao động và công đoàn, Bộ LĐ-TB&XH cần tiến hành đánh giá tác động bổ sung đối với các chính sách mới về quan hệ lao động, đáp ứng yêu cầu CPTPP.
Giới chuyên gia khuyến nghị nên sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật lao động trong nước, cụ thể là Bộ luật Lao động năm 2012 và các đạo luật liên quan cho phù hợp với các FTA thế hệ mới. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật lao động trong nước.
CPTPP cùng với EVFTA có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động. Theo khuyến nghị của bà Phùng Thị Yến, các DN đang muốn có chứng chỉ để chứng minh cho khách hàng là đã đáp ứng các tiêu chuẩn lao động cần trả tiền xin cấp chứng chỉ, thuê kiểm toán hàng năm và tu sửa nâng cấp hạ tầng cơ sở nếu cần.
"Việc này giúp các nhà sản xuất thể hiện cam kết trong việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động cũng như tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động của DN. Trước các FTA thế hệ mới, các DN Việt cần có cái nhìn hiện đại về nhân sự và quan hệ lao động theo quan điểm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm quyền của NLĐ nhằm tuân thủ yêu cầu của hội nhập và các tiêu chuẩn lao động quốc tế", bà Yến chia sẻ.
Thanh Loan