Ông Võ Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp (DN) đã trở lại hoạt động 100% công suất với gần 2.000 lao động, đơn hàng dồi dào. Song, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN gặp phải là vướng mắc, trở ngại trong đầu tư mở rộng sản xuất.
Hệ lụy từ vi phạm hợp đồng
Cụ thể, Tổng giám đốc Võ Đình Hùng chia sẻ, Dệt may Nha Trang đang đầu tư một nhà máy sợi với tổng số vốn 200 tỷ đồng, đã đấu thầu lựa chọn máy móc thiết bị châu Âu. Nhà cung cấp có trách nhiệm cung ứng theo hồ sơ dự thầu, với thời gian từ 6 - 9 tháng. Song đến giờ, đối tác bên châu Âu thông báo thời gian giao máy móc trễ xuống 16 - 22 tháng.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn vì đối tác chậm giao hàng, phá sản. |
"Điều này gây ra rủi ro lớn cho chúng tôi không chỉ ảnh hưởng tới nguồn tài chính mà còn đối với khai thác, tận dụng đơn hàng sau dịch. Hiện nay, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán, chưa đi đến thương thảo cuối cùng", ông Hùng phàn nàn.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Dệt may Nha Trang cũng cho biết, ngành dệt may đang đối mặt với thách thức khi giá bông tăng mạnh. Cụ thể, DN này vừa sản xuất sợi, vải và may, nhưng rủi ro là chu kỳ sản xuất sản phẩm từ lúc mua bông đến lúc ra chiếc áo xuất khẩu có thời gian khá dài, chi phí đắt đỏ.
Hiện nay, để sản xuất sợi, DN phải nhập toàn bộ bông từ thị trường nước ngoài như Mỹ, Mexico, Tây Phi... Thời gian thấp điểm của năm 2020, giá bông xuống 1,3 USD/kg, sau đó lên 1,9 USD/kg, hiện tại DN phải giao dịch lên tới 2,8 -2,9 USD/kg. Giá sợi cũng tăng lên, trong khi giá sản phẩm may mặc không tăng tương ứng nên DN thua lỗ. Trước tình cảnh khó khăn do nhiều rủi ro tiềm ẩn như vậy, DN đang loay hoay về cách thức để ứng phó, phương án sản xuất trong thời gian tới.
Tương tự, ông Vương Vĩnh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh (DN chuyên sản xuất thuốc thú y cho thủy sản, bột cá) cho hay, dịch COVID-19 khiến chi phí của DN bị đội lên cao. Thị trường xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhưng gặp khó khăn trong việc gửi chứng từ, chứng thư qua đường bưu điện. Một tờ giấy nhưng vì dịch bệnh mà không chuyển đi được nước ngoài.
Ông Hiệp cho biết, DN này vừa phải chia sẻ 5.000 USD trong số 10.000 USD tiền phạt mà đối tác bên Nhật Bản phải đóng phạt do chứng từ bên Việt Nam đến chậm, không giải phóng được hàng hóa. "Đây chỉ là một trong số nhiều rủi ro mà DN phải đối mặt. Chúng tôi phải chấp nhận với mục tiêu duy trì việc làm, ổn định sản xuất đảm bảo đời sống cho công nhân", ông Hiệp nói.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và vi phạm hợp đồng là một trong những tình huống thấy rõ nhất. Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, gần một nửa DN da giày, dệt may tham gia khảo sát cho biết họ chậm giao hàng cho đối tác do các đợt giãn cách xã hội kéo dài, chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển tăng gấp đôi. Điều đó khiến hơn 68% nhãn hàng phạt DN Việt Nam vì giao hàng chậm. Hơn 12% nhãn hàng hủy đơn hàng, yêu cầu DN phải đền và khoảng 21% chủ động hủy, không bắt DN đền bù.
Nghiêm trọng hơn, trong thời gian qua, nhiều trường hợp đối tác nước ngoài phá sản, DN Việt rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Còn nhớ, vào giữa năm 2020, Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company) bất ngờ nộp đơn phá sản tại Mỹ, khiến Công ty cổ phần May Sông Hồng chới với khi vẫn đang còn khoản nợ phải thu hơn 218 tỷ đồng từ New York & Company.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT May Sông Hồng chia sẻ, khi nghe tin trên báo chí thì phía trước ông là "một màn trời mờ mịt, u ám". Thời khắc ấy, thật sự ông như bị rơi vào tình trạng hoảng loạn.
"Nói có thể mọi người không tin, nhưng có những khoảnh khắc, chân tay, đầu óc dường như đều rã rời, không thể tự chủ được nữa mà cứ run lẩy bẩy. Lẽ nào thành quả dựng xây nhà máy hơn 30 năm qua bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức của hàng nghìn, hàng vạn con người, bỗng chốc lát bị con virus vô hình làm sụp đổ và tan biến hoàn toàn vào hư vô cũng giống như đối tác của chúng tôi ở nước ngoài dù đã có hàng trăm năm tên tuổi. Thật sự rất khủng khiếp!", ông Thịnh nói.
Chủ động hạn chế rủi ro
Theo TS. Lê Xuân Thân, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc Chi nhánh VIAC tại Khánh Hòa, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến việc thực hiện hợp đồng, một bên hoặc cả hai bên ký kết hợp đồng với tình huống là phải đối mặt với việc vi phạm một hoặc nhiều nghĩa vụ hợp đồng mà không thể tránh được. Theo đó, các DN cần nắm vững diễn biến dịch bệnh tại địa phương, nếu vi phạm hợp đồng thì phải thông báo cho đối tác, tập hợp đầy đủ hồ sơ để đảm bảo thương thảo với đối tác.
"Không có mẫu số chung cho giải quyết vi phạm hợp đồng, mỗi DN có vi phạm khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải nắm vững được, ý thức được", ông Thân nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa khuyến nghị trong giai đoạn này, tranh chấp phát sinh chủ yếu do chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (giao hàng không đúng thời gian, thực hiện công trình không đúng tiến độ hợp đồng, không thanh toán hoặc chậm thanh toán... Nên đưa sự kiện bất khả kháng thành nội dung trong hợp đồng, lường trước hậu quả trong hợp đồng đã ký kết.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng, Khoa Luật (Đại học Ngoại Thương) cho hay, thời gian qua đã nhận được phản ánh nhiều vụ tranh chấp không tìm được bị đơn do đối tác giải thể, phá sản. Nhiều trường hợp đối tác nước ngoài không giao hàng nhưng không thể kiện. Vì vậy, DN cần quan tâm thích đáng hơn về thời gian, kinh phí để kiểm tra đối tác trước khi tiến hành bất cứ một giao dịch nào.
Hơn nữa, bà Hằng cho rằng, áp dụng điều kiện bất khả kháng như tình huống COVID-19 là điều không dễ dàng: "Chúng ta hiểu điều bất khả kháng theo luật Việt Nam, nhưng đối tác nước ngoài không hoàn toàn hiểu như vậy, dẫn tới xung đột xảy ra".
Từ khó khăn mà Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang gặp phải do đối tác kéo dài thời gian giao máy móc ở trên, bà Hằng cho rằng DN phải tìm hiểu xem thực sự đối tác có thiện chí với mình hay không. Họ kéo dài thời gian giao hàng có phải khó khăn thực sự hay còn lý do nào khác, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn như tham tán thương mại, thuê công ty cung cấp dịch vụ...
Liên quan tới rủi ro về giá cước, nguyên liệu tăng cao, bà Hằng khuyến nghị doanh nghiệp nên ứng xử xem xét có thể phải do dịch COVID-19 hay do biến động thị trường đơn thuần để tìm biện pháp xử lý, chia sẻ đàm phán lại giá, chia sẻ rủi ro với nhau. Trong hợp đồng cần có điều khoản giá đầu vào tăng đến bao nhiêu thì hai bên sẽ ngồi lại với nhau để chia sẻ rủi ro, xác định "đi đường dài" cùng nhau.
TS. Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) DN đang trong những ngày "giông bão", dịch bệnh COVID-19 với biến thể mới khiến tình hình ngày càng căng thẳng. Phần thắng chỉ thuộc về người nhanh chân, đòi hỏi cộng đồng DN nỗ lực hơn trong tương lai không có gì chắc chắn. Sự phục hồi của DN, hoạt động nền kinh tế sẽ không trở lại trạng thái ngày hôm qua, thời kỳ trước đại dịch mà DN, nền kinh tế phải bắt đầu mô hình kinh doanh mới theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh sáng tạo, năng lực chống chịu trở thành một trong những năng lực cạnh tranh cốt lõi. Bên cạnh cơ hội để bứt phá thì rủi ro sẽ tăng lên, trong đó có rủi ro pháp lý là những vấn đề mà DN phải thận trọng. TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Sau đợt dịch thứ 4, các DN quan tâm nhất 3 điều để phục hồi sản xuất kinh doanh: kịch bản và cách thức khống chế dịch bệnh; dòng tiền; lao động. Trong một thế giới đầy bất chắc và rủi ro, doanh nghiệp cần hành động một cách quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt để vượt qua nguy cơ, tận dụng thời cơ. Doanh nghiệp cạnh tranh dựa trên tiêu chuẩn - pháp lý và sự hợp tác. Ông Bùi Đức Thịnh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng Sau sự việc đối tác Mỹ phá sản, DN đã phát đi hàng loạt mệnh lệnh khẩn cấp, Ban lãnh đạo khẩn cấp họp để đánh giá lại toàn bộ tình hình thị trường và khách hàng, hình thành ngay Ban kiểm soát công nợ để kiểm tra lại tất cả các điều khoản trong các hợp đồng kinh tế và liên tục hối thúc các đối tác trả tiền. May thay, tất cả các nhà máy của chúng tôi chưa nơi nào phải ngừng việc đến đơn vị tuần mà chỉ lác đác ít ngày. |
Lê Thúy