Nói về việc khai thác thị trường đầu ra cho đặc sản vùng miền, ông Nguyễn Văn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo NLC (với nhân công đa phần là người khuyết tật), cho biết đang đẩy mạnh khai thác trên kênh thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Tiktok hay trên mạng xã hội như facebook. Còn với kênh ngoại tuyến (offline), do hoạt động chưa lâu nên công ty chủ động tham gia chương trình xúc tiến thương mại của địa phương để giới thiệu quảng bá.
Nhắm vào giá trị gia tăng
Ông Nam bày tỏ tham vọng là các sản phẩm chế biến nổi trội của công ty (như những loại bánh quy được làm từ nguyên liệu đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng như trà xanh, dâu tây, cà phê, mắc ca) có thể vươn xa ra thị trường quốc tế.
Để có thị trường tiêu thụ vững chắc đang cần đặc sản vùng miền nhắm vào giá trị gia tăng và nâng tầm thương hiệu. |
“Để chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế, điều mà chúng tôi đang làm là phải cho người tiêu dùng thấy được giá trị gia tăng từ khâu chế biến với nguyên liệu là nông đặc sản địa phương. Để họ mua các loại bánh quy của công ty (do những người khuyết tật làm ra), trước hết sản phẩm đó phải ngon, chạm được đến khẩu vị của cả người tiêu dùng khó tính, có nghĩa là mua giá trị thật sự của sản phẩm chứ không phải chỉ để ủng hộ người khuyết tật”, ông Nam bộc bạch.
Giám đốc của Công ty Bánh kẹo NLC cũng không quên nhấn mạnh đến việc thể hiện rõ những câu chuyện đặc biệt (kể về ý tưởng và những người làm ra sản phẩm) trong quá trình chế biến trên bao bì. Đó là một trong những cách để nâng tầm thương hiệu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Những chia sẻ của vị giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên về khai thác chế biến đặc sản vùng miền như nêu trên là rất đáng khích lệ. Nhất là để đặc sản vùng miền có thể giành thị trường một cách dài lâu đang đòi hỏi nhận thức của người chủ DN cũng phải thay đổi tư duy, nhắm vào việc gia tăng giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng.
Hơn thế nữa, việc tham gia vào các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại có thể sẽ mang lại những thay đổi tích cực về mặt thị trường cho các DN sản xuất kinh doanh đặc sản vùng miền.
Như tại phiên chợ “Tết Xanh – Quà Việt” Xuân Ất Tỵ 2025 tổ chức ở Tp.HCM ngày 23/1 quy tụ khoảng 1.000 loại sản phẩm chỉ dẫn địa lý, OCOP 3-5 sao, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết thông qua đó nhằm kết nối cho các nhà sản xuất nông đặc sản theo quy trình sạch, tử tế, với thị trường. Đặc biệt là tạo cơ hội gặp gỡ cho các DN cộng đồng, người thu mua để cùng nhau thảo luận xu hướng thị trường, chiến lược sản xuất và tiếp thị mới.
Bên cạnh đó, qua phiên chợ Tết như vậy, người tiêu dùng còn thấy tận mắt những sản phẩm của các DN khai thác từ tài nguyên bản địa, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, chỉ dẫn địa lý…tận trời Nam đến đất Bắc hay eo biển miền Trung thậm chí là vùng núi Tây Nguyên.
Ngoài yếu tố kết nối giao thương, để đặc sản vùng miền có được chỗ đứng nhất định trên thị trường và cả thị trường quốc tế đang cần các DN, hợp tác xã “thổi hồn” sáng tạo vào khâu chế biến, áp dụng máy móc, công nghệ mới nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa để cho “ra lò” những sản phẩm có giá trị đặc sắc.
Trông chờ nâng tầm thương hiệu
Đứng ở góc độ của một DN đang khai thác chế biến các dòng bánh từ nguồn đặc sản vùng miền ở huyện Củ Chi (Tp.HCM) là củ sắn mì, ông Mai Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Yam Kitchen, cho biết trong năm 2025 này sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động marketing qua mạng xã hội (facebook, tiktok), cũng như bán hàng theo phương thức B2B (hình thức kinh doanh giữa DN với DN) và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Trao đổi với VnBusiness, ông Mai Tuấn Anh cho rằng để chinh phục thị trường một cách lâu dài đang đòi hỏi công ty phải chú trọng nhiều hơn vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới. Chẳng hạn, để ra được dòng sản phẩm bánh khoai mì nướng được nhiều người ưa chuộng như hiện tại là phải R&D liên tục và trải qua vài trăm mẻ bánh thử nghiệm để làm vỏ bánh hợp lý.
Còn hiện tại, như chia sẻ của vị giám đốc này, xưởng bánh của công ty đã đạt tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng trong ngành thực phẩm), từ đó đủ sức để đưa sản phẩm vào kênh siêu thị. Vấn đề bây giờ là công ty cần phát triển thị trường và nâng mức nhận biết của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Thực ra, để có thị trường đầu ra một cách vững chắc vẫn còn là một thách thức lớn đối với đặc sản vùng miền. Nhất là nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần “tự bơi” tìm đầu ra cho sản phẩm nên tính hiệu quả chưa cao như kỳ vọng. Hơn nữa, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, nên số lượng sản phẩm đặc sản vùng miền ở một số địa phương chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp bán lẻ.
Như than phiền của một chủ cơ sở sản xuất bánh phồng mì sữa ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), mặc dù sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao với kỳ vọng sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới, nhưng số lượng tiêu thụ hạn chế, hiện sản phẩm chỉ bán lẻ ở địa phương và bỏ mối cho khách hàng ở chợ tại địa phương. Chưa kể, trên thị trường có rất nhiều loại bánh ngọt, nên đầu ra bánh phồng của cơ sở càng thêm thách thức.
Không riêng gì cơ sở nêu trên, với các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn, do người tiêu dùng chưa thay đổi được nhận thức trong mua sắm những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Để đặc sản vùng miền có được thị trường ổn định hơn trong năm 2025 này, giới chuyên gia nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng là cần nâng tầm thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu bản địa.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng có thể là một cách tiếp cận chiến lược cho đặc sản vùng miền. Theo đó, các DN, hợp tác xã cần nâng cao giá trị thương hiệu bằng cách gắn kết với những giá trị cốt lõi tích cực.
Theo Ts. Abel D. Alonso, chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam hiện có nhiều nhà sản xuất độc lập về đặc sản vùng miền trong lĩnh vực thực phẩm, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm chuyên biệt. Di sản thiên nhiên và văn hóa phong phú cũng tạo điều kiện cho họ xuất hiện trong ngành du lịch - khách sạn. Họ có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị gia tăng.
“Nếu có thể đưa ra một quy tắc chung ở đây thì đó là cần truyền tải những trải nghiệm, hình ảnh và câu chuyện đáng nhớ, và vừa phải cung cấp sản phẩm có chất lượng nhất quán cho thấy lời nói đi đôi với việc làm”, Ts. Alonso phân tích.
Thế Vinh