Một chủ doanh nghiệp (DN) nhỏ bày tỏ rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh dưới thời Covid-19 vẫn ngập ngừng và đặt câu hỏi là bao giờ sự ngập ngừng này kết thúc, phía DN có nên mạnh tay mở rộng đầu tư vào thời điểm này hay là tiếp tục theo dõi, quan sát thêm một thời gian gian khi tình hình thật sự ổn địn?
Tuỳ lựa chọn của chủ doanh nghiệp
Trả lời cho câu hỏi trên tại một cuộc toạ đàm trực tuyến ở Tp.HCM vào ngày 25/11 để bàn về việc đón sóng phục hồi cuối năm của DN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (Huba) cho rằng, vấn đề mạnh tay mở rộng đầu tư hay không tuỳ thuộc vào quyết định của người chủ DN. Đặc biệt là thời điểm này, chủ DN có muốn chiếm lĩnh, tranh giành trước một phần thị trường nào đó hay không.
Các DN cơ khí - điện ở Tp.HCM trong quý 4/2021 đang quay trở lại hoạt động rất mạnh mẽ với mức độ phục hồi đạt 95% - 100%. |
Còn để hỏi liệu DN có thể phát triển tốt trong thời gian tới? Ông Hưng nói vui là hãy hỏi “con Covid”. Nhìn vào tình hình tái bùng phát dịch trên thế giới hoặc đột ngột “hạ nhiệt” ở Nhật Bản, rất khó để trả lời rõ ràng cho chuyện này khi yếu tố khách quan là do dịch Covid-19 tạo ra.
Tuy vậy, dưới góc nhìn của lãnh đạo Huba, tin rằng với sự quản lý của Nhà nước hiện nay thì tình hình dịch bệnh đã kiểm soát được và tốc độ phát triển kinh tế có thể tăng lên. Nếu chủ DN đánh giá được mức độ thị trường và khả năng của mình thì có thể mở rộng đầu tư.
“Nhưng mà “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nếu “con Covid” tiếp tục bùng lên thì việc mở rộng ra cũng chết mà không mở rộng thì cũng chết. Do đó, đây là lựa chọn của chính người chủ DN. Còn với tình hình dịch bệnh hiện nay thì khó có thể dự đoán được”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng từ câu hỏi của DN nêu trên, dưới góc độ của người làm ngân hàng, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng DN của Ngân hàng Bản Việt cho rằng, khi một lĩnh vực kinh doanh phù hợp có thể mở rộng thì vai trò của người chủ DN rất quan trọng.
Hơn nữa, theo ông Nhân, phải xác định được thị trường trong tương lai. Nếu trước dịch, tình hình kinh doanh ổn định, nhưng lúc có dịch lại gây gián đoạn sản xuất, còn sau dịch khi bước vào giai đoạn phục hồi thì điều chắc chắn là nhu cầu thị trường sẽ khác.
“Chúng ta phải đánh giá được tình hình trong tương lai có nên mở rộng hay không. Và một xu hướng là “sống chung” với dịch, trong khi tình hình dịch bệnh chưa ai dự báo được. Do đó, phải đánh giá được nhu cầu trong thời gian sắp tới, và khi triển khai kinh doanh thì phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch, từ đó mới có thể mở rộng và nên mở rộng từ từ”, ông Nhân chia sẻ.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 tính đến thời điểm gần cuối năm 2021 đã làm thay đổi người tiêu dùng trong nước và trên toàn cầu, từ quan điểm về giá trị, hành vi, cho tới cách tiêu dùng. Đặc biệt là việc thay đổi cách mua sắm, thay đổi cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, tiết giảm chi tiêu…
Vẫn ám ảnh “con Covid”
Những thay đổi này đã ảnh hưởng sâu rộng đến các chủ DN Việt là liệu có nên mở rộng đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 sắp tới hay không.
Bởi thực tế hiện tại cho thấy, bên cạnh một số ngành đang được ghi nhận có dấu hiệu hồi phục khả quan thì một số ngành khác vẫn còn đang tiếp tục vật lộn với dịch bệnh.
Không chỉ vậy, như chia sẻ của ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí - Điện Tp.HCM (Hamee), khi chuyển sang trại thái “sống chung” với Covid trong gần 2 tháng nay thì các DN đang có nỗi lo rất hiện hữu là số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong các công ty đang bắt đầu xuất hiện nhiều.
Ông Tống cho biết, nếu trong giai đoạn giãn cách theo các chỉ thị, phía những DN áp dụng 3 tại chỗ (3T) mặc dù rất khó khăn nhưng hạn chế được số ca F0. Còn hiện tại, số ca F0 lại liên tục "lai rai" trong các công ty.
Thực ra, theo quy định thì việc xét nghiệm ca nhiễm không còn nặng nề như trước đây. Nhưng, tự bản thân các DN hầu như đang tự tổ chức xét nghiệm cho nhân viên của mình với tần suất cao hơn, không chỉ là hàng tuần mà còn hàng ngày trong những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cho DN.
Trước vấn đề này, theo Chủ tịch Hamee, đã dẫn tới gia tăng chi phí cho các DN. Do có ca nhiễm nên dẫn tới thiếu người nên phía DN buộc phải tăng ca để bù lại sản lượng thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu thị trường đang trở lại.
Mặc dù vậy, các phân tích cho thấy vẫn có những điểm sáng và cơ hội phía trước cho các DN. Nhất là các DN có lợi thế ngành nghề, chiến lược thích ứng dài hạn, và được điều chỉnh phù hợp, sẽ có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát sinh ngắn hạn và các cơ hội mới trong dài hạn. Điều quan trọng là các DN cần đề cao hơn nữa việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi.
Riêng với các DN trong ngành cơ khí - điện ở Tp.HCM, theo nhận định của ông Tống trong quý 4/2021 này các DN quay trở lại hoạt động rất mạnh mẽ với mức độ phục hồi đạt 95% - 100%. Thậm chí là có những DN làm trên 100% năng lực của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Chỉ có vấn đề đáng lo là tình trạng F0 liên tục xuất hiện tại các công ty đã ảnh hưởng đến nguồn lực và các DN phải tìm mọi giải pháp để bù đắp cho nguồn lực này”, ông Tống nói.
Thế Vinh