Làm thế nào để các doanh nghiệp góp phần đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm nay ước khoảng 313 tỷ USD, tương đương mức tăng 10% và tạo đà cho phát triển trong năm 2022? Hầu hết các doanh nghiệp tham dự toạ đàm “Bứt phá doanh thu cuối năm: Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu?" được tổ chức chiều 25/11, đều bày tỏ khó khăn lớn nhất hiện nay là “sức khoẻ” tài chính đang yếu, mong muốn được hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp khó khăn xoay dòng vốn
CTCP Thuỷ sản Lộc Kim Chi - một doanh nghiệp chuyên nuôi cá tra cung cấp cho các nhà máy chế biến khắp Đồng bằng Sông Cửu Long để xuất khẩu cho biết, mỗi ngày chi 6 tỷ đồng để duy trì 300 ha nuôi cá tra, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, khách hàng giảm mua, khiến lượng cá tra quá lứa, chưa tiêu thụ được còn tồn đọng rất lớn.
Các ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. |
Trong bối cảnh đó, ông Lưu Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc CTCP Thuỷ sản Lộc Kim Chi bày tỏ mong muốn rất cần ngân hàng hỗ trợ về nguồn vốn như giảm lãi vay, cơ cấu nợ… và được vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
“Với lãi vay, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng hỗ trợ giảm từ 2%/năm thay vì 0,5% như hiện nay; đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu nợ sang năm 2022”, ông Tuấn nói.
Trước băn khoăn này, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giảm các loại phí dịch vụ… Điển hình, trong hơn 3 tháng từ 15/7, 16 ngân hàng đã giảm gần 16.000 tỷ đồng tiền lãi vay để hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm tính đến cuối tháng 10 năm nay và giảm tổng cộng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch…
Thực tế, các ngân hàng khẳng định, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại hiện vẫn dư thừa, ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn để cho doanh nghiệp vay. Biểu hiện rõ nhất ở lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mức rất thấp, như kỳ hạn 1 tuần dưới 1%/năm.
Ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc trung tâm kênh phân phối và bán hàng của MSB cho biết, một trong những điều kiện hàng đầu để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nắm cơ hội khi thị trường phục hồi là phải có nguồn vốn hợp lý.
"Khi xây dựng các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2021, chúng tôi tập trung đầu tiên là làm sao để cung ứng vốn kịp thời. Đặc biệt, MSB linh hoạt cả nguồn vốn không cần tài sản đảm bảo, mà trên cơ sở dữ liệu đơn hàng, các khoản phải thu của khách hàng”, ông Tĩnh nói.
Cụ thể, MSB đang triển khai gói giải pháp tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 2,5% với khoản vay USD và từ 5,5% với khoản vay VND. Tài trợ trước giao hàng tới 90% giá trị hợp đồng hoặc L/C xuất khẩu, chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu tới 98% giá trị bộ chứng từ, tài trợ hợp đồng đầu ra đến 80% giá trị hợp đồng..
Cần hồ sơ mạnh, minh bạch
Vậy, vì sao vẫn còn nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận vốn vay hoặc phải vay với lãi suất khá cao?
“Ở đây có hai mặt, cần sự tương tác tốt giữa hai bên”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đề cập với hướng chính doanh nghiệp cần chủ động và chuẩn bị tốt hơn khi làm việc với các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp cần làm rõ và thuyết phục về sức mạnh hồ sơ, hiệu quả sử dụng vốn… Một hồ sơ mạnh, đầy đủ và minh bạch sẽ giảm thiểu thời gian và chi phí thẩm định, qua đó thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn hợp lý; ngược lại, ngân hàng có thể áp lãi cao hơn khi nhận thấy có tiềm ẩn rủi ro hơn, thậm chí từ chối cho doanh nghiệp vay vốn…
Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng, cho vay theo dòng tiền, cho vay tín chấp là điều mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đều mong muốn vì cách làm này đơn giản, tháo gỡ được vướng mắc lâu nay là thiếu tài sản đảm bảo của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải minh bạch, phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính và tiềm lực khả năng sinh lời của dự án đó. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp khai báo số liệu tài chính không trung thực, như vậy gây khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh cho rằng, trong lúc doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn thì quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Nếu doanh nghiệp không được ngân hàng hỗ trợ thì cũng phải tự xem lại uy tín của doanh nghiệp, khả năng trả nợ, doanh nghiệp chưa tạo được niềm tin để ngân hàng sẵn sàng “nới” room tín dụng, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp.
“Khi ngân hàng đã tin tưởng doanh nghiệp sẽ là “thành trì” vững vàng nhất cho doanh nghiệp phát triển”, ông Lê nói.
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhờ sự minh bạch tài chính. CTCP Công nghệ và giải pháp S5T Việt Nam là ví dụ điển hình: Giám đốc Dương Đăng Bách chia sẻ, ước tính trong năm nay, doanh nghiệp nhập hàng gần 10 triệu USD, nhờ việc tỷ giá ổn định, cùng với ngân hàng hỗ trợ giảm lãi vay, miễn phí dịch vụ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được hàng tỷ đồng để tái đầu tư kinh doanh.
Huyền Anh