Nhận định mới đây từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) rất đáng để lưu tâm, theo đó, một trong những thách thức vẫn còn tồn tại chính là tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của ngành rau quả trong nước còn cao, công nghệ xử lý sau thu hoạch chậm thay đổi.
Không thể tiếp tục tư duy “sản xuất – tiêu dùng – vứt bỏ”
Qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký của Vinafruit, cho rằng công nghệ bảo quản sau thu hoạch của ngành rau quả vẫn còn yếu, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vào khoảng 20 - 30%, thậm chí có nơi lên đến 30 - 40%.
Việc chuyển sang mô hình “sản xuất – tái chế – tái sử dụng” sẽ giúp hóa giải bài toán thất thoát tỷ đô ở ngành rau quả Việt. |
“Những tổn thất sau thu hoạch này là do công nghệ thu hoạch của chúng ta chưa được cơ giới hóa, còn làm bằng tay hoặc vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ, rồi đường xá giao thông chưa được tốt, hư hỏng nhiều. Chưa kể kho bãi tập kết hàng còn chưa hoàn chỉnh. Tất cả những yếu tố đó làm cho vấn đề thất thoát sau thu hoạch còn cao”, ông Nguyên chỉ rõ.
Theo báo cáo của CEL Consulting, mỗi năm chuỗi giá trị nông sản, thủy sản của Việt Nam lãng phí tới 8,8 triệu tấn thực phẩm, gây thiệt hại 3,9 tỷ USD (chiếm 2% GDP cả nước và 12% GDP toàn ngành nông nghiệp). Đáng chú ý, trong đó trái cây và rau củ chiếm tới 7,3 triệu tấn, chủ yếu do bảo quản kém, xử lý sau thu hoạch không đúng cách và chưa tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp.
Lãng phí này có thể thấy rõ như ở cây chuối. Để thu hoạch được 1 tấn quả chuối, phải bỏ đi khoảng 10 tấn phế thải gồm: Vỏ, lá và thân cây. Nếu như trước đây, thân cây chuối thường được tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi thì hiện nay thân cây chuối gần như chặt bỏ hoàn toàn, gây lãng phí khá lớn.
Đứng ở góc độ một chuyên gia về công nghệ thực phẩm, Ts. Trương Thục Tuyền (Đại học RMIT), đưa ra một dẫn chứng cụ thể cho vấn đề thất thoát ở ngành rau quả là trong quá trình sản xuất thực phẩm từ bưởi, phần lớn phụ phẩm từ quả này thường bị lãng phí. Vỏ bưởi chiếm tới 30% khối lượng quả nhưng phần lớn đều bị bỏ đi hoặc chỉ dùng làm thức ăn gia súc.
Theo Ts. Tuyền, khi sản lượng bưởi tăng lên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu (XK), lượng chất thải cũng gia tăng, tạo thêm áp lực lên môi trường và hệ thống quản lý rác thải. Thách thức này không chỉ xảy ra với bưởi mà còn phổ biến ở hầu hết các loại nông sản. Ngoài những lo ngại về môi trường, vấn đề này còn làm giảm hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng.
“Chúng ta không thể tiếp tục duy trì tư duy ‘sản xuất – tiêu dùng – vứt bỏ’. Thay vào đó, cần chuyển sang mô hình ‘sản xuất – tái chế – tái sử dụng’ để tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị”, Ts. Tuyền chia sẻ và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc áp dụng các giải pháp bền vững.
Thực ra, đã có không ít doanh nghiệp (DN) nội địa thấy rõ sự lãng phí và họ đã và đang bằng nhiều cách thức để biến phế phẩm trong ngành rau quả bị loại thải hàng năm thành những sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước và XK.
Như trước việc lãng phí ở cây chuối, Công ty Musa Pacta hiện đang hợp tác với 10 hợp tác xã tại Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Lào Cai để sản xuất sợi chuối cùng các sản phẩm từ chuối và XK đi nhiều quốc gia. Trong đó, riêng thân cây chuối được công ty này thu mua của nông dân với giá 450.000 đồng/tấn để phục vụ cho 3 nhà máy sản xuất vải từ sợi chuối, chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.
Vẫn chờ tối ưu hóa chuỗi giá trị
Theo chia sẻ của ông Bùi Khánh Dũng, giám đốc công ty này, sau thu hoạch thân cây chuối gần như chặt bỏ, rất là lãng phí. Trong khi đó, diện tích cây chuối trong cả nước hiện trên 200.000ha, có thể cung cấp khoảng 200.000 tấn sợi/năm đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay khoảng 3,5 USD/kg.
Cũng nên biết thêm, thị trường sợi chuối thế giới đã liên tục phát triển sôi động khoảng 20 năm nay với những quốc gia XK sợi chuối thô hàng đầu thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…và mỗi năm thu về hàng tỷ USD. Với giá trị tỷ đô như vậy thì không có lý gì Việt Nam lại bỏ qua thị trường đầy triển vọng này từ việc tận dụng phế phẩm thân cây chuối sau thu hoạch.
Hoặc như ở cây dừa. Để tránh lãng phí phụ phẩm, ở “thủ phủ dừa” Bến Tre mỗi năm các DN trong tỉnh sản xuất gần 30.000 tấn chỉ xơ dừa và 12.000 tấn than hoạt tính từ vỏ gáo dừa.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), cho rằng cần phát triển các công nghệ tận dụng phế phẩm từ dừa như vỏ, xơ dừa và mụn dừa. Trong đó, xơ dừa có thể được sử dụng để sản xuất vật liệu cách nhiệt, lọc nước, hoặc làm phân bón hữu cơ, mụn dừa có thể được dùng trong trồng cây hoặc làm chất cải tạo đất.
Ngoài ra, theo ông Linh, nên áp dụng các phương pháp tối ưu hóa sản xuất để giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu từ dừa. Chẳng hạn như sử dụng toàn bộ các phần của quả dừa như vỏ, cơm dừa, nước dừa…để tạo ra các sản phẩm có giá trị khác nhau.
Còn với trường hợp lãng phí vỏ bưởi, với cách tiếp cận mới, Ts. Trương Thục Tuyền gợi ý về giải pháp phát triển công nghệ tái chế vỏ bưởi thành bột hấp thụ dầu và nước, giúp thay thế chất béo trong các thực phẩm chế biến. Giải pháp này sẽ sẵn sàng cho sản xuất quy mô lớn, mở ra cơ hội cho DN thực phẩm Việt Nam tạo ra các sản phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Theo Ts. Tuyền, việc tái chế phụ phẩm và áp dụng các giải pháp bảo quản thông minh sẽ tạo nên một hệ sinh thái thực phẩm tuần hoàn – nơi mọi phụ phẩm đều được tái chế và tái sử dụng hiệu quả.
Có thể nói, nếu có thể thành công chuyển hóa phụ phẩm thành tài nguyên, ngành rau quả Việt sẽ càng có cơ hội tăng giá trị sản phẩm, giảm lãng phí và giảm áp lực lên môi trường. Và để hóa giải bài toán lãng phí, thất thoát sau thu hoạch ở ngành rau quả, điều quan trọng là cần có sự hợp tác giữa các DN, Nhà nước và các tổ chức nghiên cứu nhằm mở rộng việc ứng dụng công nghệ tái chế và bảo quản. Với sự đồng lòng từ các bên liên quan, những giải pháp này có thể được nhân rộng, tạo nên một chuỗi giá trị rau quả được tối ưu hóa một cách bền vững.
Thế Vinh