Theo Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, con số 39% kim ngạch xuất khẩu (XK) sang các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tận dụng được ưu đãi thuế quan của năm 2018 là một bước tiến đáng kể so với những năm trước.
Tuy nhiên, qua nhiều năm thực thi, phân nửa lợi ích thuế quan kỳ vọng từ các FTA vẫn vuột khỏi tay các doanh nghiệp (DN) và người dân Việt Nam. Đó là còn chưa kể đến những "kỳ vọng thất thoát" khác chưa đong đếm được bằng những con số cụ thể.
Ăn đong nguyên liệu
Hiện nay, không ít ngành XK mũi nhọn của Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu – điểm yếu cốt tử ngăn cản hiện thực hóa cơ hội ưu đãi thuế quan, cụ thể là những yêu cầu từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)…
Thực tế, nhiều năm trước đây, vấn đề này là "cơn đau đầu" của những ngành rất truyền thống như dệt may, da giày, nhưng gần đây, ngay cả những ngành thế mạnh của Việt Nam như chế biến thủy sản, hạt điều… cũng đang bắt đầu phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước.
Đối với dệt may, da giày, yêu cầu nguyên liệu là phải phát triển ngành dệt nhuộm, thuộc da, phát triển vùng nguyên liệu, tăng giá trị các khâu như thiết kế, phân phối trong "đường cong nụ cười" lợi nhuận…
Chính sách để triển khai các giải pháp khắc phục thiếu nguyên liệu đã có, nhưng hầu hết chưa "thành hình" trên thực tế, hoặc có hành động thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, "ràng chân buộc tay" DN.
Điển hình như, một mặt là khuyến khích đầu tư công nghiệp dệt nhuộm vào địa phương, nhưng một mặt lại áp dụng các yêu cầu ngặt nghèo quá mức cần thiết về tiêu chuẩn nước thải, về các thủ tục liên quan tới cơ sở hạ tầng rườm rà và tốn kém…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định CPTPP là "xương sống" của ngành dệt may Việt Nam nhưng "xương sống không nuôi được cả cơ thể" vì cần có nền tảng. Hiện nay, quy hoạch ngành này đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua.
Hiện, một số địa phương dị ứng với ngành dệt may, đặc biệt là hóa nhuộm, có cái nhìn không được cởi mở, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Theo ông Giang, kiểm soát phải đưa ra các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển, chứ không thể không quản được rồi lại cấm.
Ông Giang kiến nghị, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035 – 2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may.
Liên quan tới nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết nhiệm vụ sống còn của ngành dệt may là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công.
"Cần quy hoạch cụ thể về đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Cũng cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn. Bộ Công Thương cần hỗ trợ kéo sợi, nhà phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải", ông Tuấn nói.
Phân nửa lợi ích thuế quan kỳ vọng vẫn đang vuột khỏi tay các DN nội |
Khó vượt rào cản
Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho rằng: "Thời gian qua, chúng ta XK rau quả mà như đem rau ra chợ huyện. Cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại".
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết quả dưa hấu của Việt Nam XK nhưng DN, người dân lót rơm vào, XK theo lô. Người tiêu dùng các nước không muốn mua dưa hấu lót rơm mà chỉ muốn mua sản phẩm có thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ…
Theo ông Khánh, người dân, người tiêu dùng trên toàn thế giới hiện nay đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem, nhãn để biết được sản phẩm đó là gì, xuất xứ từ đâu. Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. DN cần phải thay đổi để nắm bắt được điều đó.
Đồng thời, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, chúng ta đều biết thuế quan chỉ là một phần thách thức trong XK hàng hóa, nhưng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (TBT-SPS) và những hàng rào phi thuế khác có khi lại là một phần lớn hơn của thách thức XK.
Với hàng rào thuế quan, nếu có cao, DN dù chật vật nhưng cố được thì vẫn có thể vượt qua. Tuy nhiên, với các tiêu chuẩn về hóa chất, nguồn gốc hợp pháp, dư lượng kháng sinh, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thậm chí đơn giản là yêu cầu về cách thức ghi nhãn, đóng bao bì… của các thị trường XK, DN không có lựa chọn, hoặc là đáp ứng đúng và đủ, hoặc là không thể vào thị trường – không có thương lượng, cũng không thể thay đổi, chỉ có thể tuân thủ.
Ông Lộc cho rằng việc ứng phó với những hàng rào như vậy tất nhiên trước hết vẫn là chuyện của DN. Mỗi DN phải tìm hiểu các yêu cầu TBT-SPS của thị trường XK, phải điều chỉnh chuỗi sản xuất để đáp ứng yêu cầu, phải duy trì hệ thống giám sát nội bộ đối với từng khâu và từng sản phẩm cuối cùng…
Tuy nhiên, có những việc mà từng DN sẽ khó làm, thậm chí không làm được, như: đàm phán và hợp tác kỹ thuật để có được visa nhập khẩu đối với từng loại trái cây Việt Nam vào một thị trường nhập khẩu; thực hiện các quy trình tiền kiểm đối với nông thủy sản trước khi XK; tập hợp, cập nhật và phổ biến thông tin về các loại TBT-SPS đối với từng loại hàng hóa, ở từng thị trường, theo từng thời điểm, để DN có nguồn tra cứu tin cậy và đầy đủ…
Ông Lộc nêu vấn đề: Thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã có những nỗ lực nhất định nhưng chừng đó đã đủ chưa và liệu có thể làm tốt hơn nữa, tích cực hơn nữa và hiệu quả hơn nữa hay không. Đâu đó vẫn có tình trạng chúng ta "tự mình làm khó mình" bằng các yêu cầu TBT-SPS đối với hàng XK vượt quá mức yêu cầu của thị trường XK. Theo ông Lộc vẫn tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền hay tiêu cực trong quá trình tiền kiểm hàng XK. Các DN vẫn đang tự mình loay hoay góp nhặt thông tin về các biện pháp TBT-SPS ở các thị trường mà ít khi nào nhận được thông tin từ các cơ quan nhà nước liên quan.
Lê Thúy
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương
Nếu không cải thiện chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ bị thua thiệt trong CPTPP nói riêng và các FTA nói chung. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đặt ra là phải phát triển các ngành phụ trợ của dệt may, da giày... Đã đến lúc Việt Nam chủ động gia tăng giá trị nội địa hóa, chủ động về công nghiệp phụ trợ là yếu tố then chốt. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Quy tắc xuất xứ và hàng rào TBT-SPS chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện mà các DN sản xuất, XK phải đối mặt khi hội nhập hay tận dụng cơ hội từ các FTA trước đây và với CPTPP hiện nay. Còn có nhiều câu chuyện khác, về chi phí logistics quá cao (xấp xỉ 20% GDP), cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, nguồn nhân lực tiếng là dồi dào nhưng chất lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu, năng suất lao động thấp (chỉ bằng 7% của Singapore, thua Lào), thủ tục hành chính dù cải thiện nhưng vẫn còn muôn vàn những bất cập trong thực tế thực thi… Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới năng lực cạnh tranh của DN. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam Sự tăng trưởng XK của ngành da giày trong những năm gần đây khá đáng kể, hiện có 500 DN tham gia XK. Tuy nhiên, qua khảo sát, DN Việt chưa tận dụng được cơ hội từ các FTA, DN chưa nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu… Chúng ta có thể tự tin sản xuất giày thể thao nhưng thách thức là da nhập khẩu. Có thể nói câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thủa. |