Theo một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trung Quốc đã vượt lên dẫn đầu về vốn đăng ký mới với hơn 723 triệu USD trong quý I/2019, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2018 (205,8 triệu USD), chiếm 18,9% tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) mới.
Đầu tư để hưởng lợi
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam trên nhiều phương diện, đa dạng cách thức đầu tư, tăng quy mô dự án từ mức chỉ 1,5 triệu USD/dự án năm 2007 lên hơn 300%, đạt bình quân 5 triệu USD/dự án năm 2017. Trong công nghiệp chế biến, chế tạo, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư mạnh vào ngành chế biến kim loại và dệt may với ước khoảng hơn một nửa lượng vốn.
Điều đáng lưu ý là chuyển dịch đầu tư của Trung Quốc vào các ngành thâm dụng lao động tại Việt Nam như dệt may và chế biến kim loại rất có thể nhằm tới việc tận dụng cơ hội từ quy định về quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tương lai là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho hay nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào ngành dệt may nhưng chỉ làm công đoạn cuối là lắp ráp, đóng gói sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (XK).
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tác động tích cực của các FTA, chính sách thuế xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định đã và đang được cắt giảm hoặc xóa bỏ đã, đang và sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản XK của Việt Nam.
Thấy trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhiều DN FDI đã đầu tư lớn vào các nhà máy những công nghệ, máy móc tiên tiến để tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm, trong đó chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản, EU và gần đây là Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, DN chế biến, XK gỗ, lâm sản Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức như thiếu hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất, chế biến và XK với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng; nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn; vật liệu phụ trợ vẫn chủ yếu nhập khẩu, nên giá thành cao… khó tận dụng các cơ hội từ FTA.
Dễ thấy nhất là với Hiệp định CPTPP, sau gần 3 tháng chính thức có hiệu lực, XK hàng hóa của Việt Nam vào Australia giảm tới 14,6% trong quý I/2019, ít nhiều cho thấy việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ.
"Việt Nam cần cân nhắc thấu đáo hơn việc để DN chủ động đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài, hay cần ban hành quy định để hài hòa hóa tiêu chuẩn trong nước với thị trường nước ngoài. Cần lưu ý số biện pháp phi thuế quan đối với XK của Việt Nam đã tăng từ 167 năm 2015 lên 219 năm 2018", ông Dương đánh giá.
Trước đó, số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi để XK hàng hóa của Việt Nam trong các FTA chỉ đạt trung bình 34%, tương đương 33 tỷ USD.
DN nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư để hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam tham gia |
Doanh nghiệp cần sự đồng hành
Khả năng tận dụng ưu đãi của DN mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa cao, đặc biệt là với các thị trường láng giềng như ASEAN đạt 20,7% và Trung Quốc khoảng 27%. Việc tận dụng ưu đãi của DN có vốn FDI dường như cũng tốt hơn so với các DN trong nước, đặc biệt là đối với sản xuất công nghiệp.
Phân tích nguyên nhân, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, điển hình như với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa XK của Việt Nam thông qua các FTA.
Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường (như sữa, thịt lợn, một số loại rau quả).
Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam tại các thị trường châu Âu, Mỹ với ưu thế hơn hẳn về giá cả là Trung Quốc về hàng tiêu dùng, dệt may, da giày; Thái Lan về mặt hàng thủy sản, gạo, trái cây; Ấn Độ về gạo. Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành hàng tiêu dùng tại Mỹ, với sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán.
Trong khi đó, không phải DN nào của Việt Nam cũng chủ động thực hiện được việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu, nhất là những DN vừa và nhỏ.
Chẳng hạn đối với Canada, hệ thống luật thương mại tương đối phức tạp. Hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang. Đối với EU, DN Việt Nam ngoài việc phải nắm bắt quy định chung của EU, nhiều khi phải tìm hiểu thêm quy định của quốc gia.
Vì vậy, bà Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các biện pháp đồng hành và hỗ trợ DN trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các DN về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong quá trình đàm phán, thực thi các FTA.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, tham gia các FTA thế hệ mới cũng khiến Việt Nam thêm nhiều áp lực, trong đó có sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà; sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sức ép vượt các hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh kiểm dịch thực vật khắt khe…. Trong khi đó, bản thân nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn lúng túng và bị động việc sử dụng các công cụ cần thiết xây dựng và bảo vệ thị trường trong nước.
"Quá trình tham gia các FTA phải đi cùng với việc xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, làm lệch lạc, lãng phí nguồn lực DN. Nhà nước rất cần thiết trong vai trò hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả", ông Phong nhấn mạnh.
Kết quả từ một cuộc điều tra DN do Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2018 cũng cho thấy, khi đề cập đến những mong muốn của DN từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ các DN khi Việt Nam thực hiện các FTA, có tới 84,6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% DN muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% DN muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48,9% DN muốn có thông tin về thị trường trong nước.
Lê Thúy
Ông Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng CIEM Việt Nam luôn trông chờ vào đối tác tự cho mình cơ hội mà không thấy rằng nỗ lực của mình trong mối quan hệ đó là quan trọng nhất. Chúng ta có câu "lắm mối tối nằm không", hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán nhiều FTA. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta mất nhiều hơn được. Hàng hóa nước ngoài "tấn công" thị trường nội địa, trong khi hàng Việt vẫn không thể tận dụng được các ưu đãi mà FTA đem lại. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Ngay cả với thị trường Trung Quốc, lâu nay chúng ta luôn coi đây là thị trường dễ tính nhưng thực tế cho thấy không phải vậy, thấy rõ từ cách nay mua mai bỏ tới yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Điều này cho thấy Việt Nam càng cần từ bỏ tư tưởng làm hàng rẻ, hàng đại trà cho dễ bán. Thay vào đó, chú trọng làm hàng chất lượng cao, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của nhiều thị trường và đem về giá trị gia tăng cao hơn. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Các DN cần phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Chỉ khi DN đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy XK, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước. |