Theo tính toán của một chủ DN nội địa trong ngành dệt may tại Tp.HCM, với chi phí đầu vào gia tăng như hiện nay thì các DN gia công chỉ lãi bình quân 2%/doanh thu.
Giả sử các DN nội thực hiện phương thức gia công FOB (chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu cho đến sản phẩm cuối cùng) thì lợi nhuận có thể là 5%/doanh thu.
Lợi nhuận ít ỏi
Rõ ràng con số lợi nhuận từ gia công cho các DN nội là khá khiêm tốn. Số liệu mới công bố hồi cuối tuần qua của Tổng cục Thống kê liên quan đến dịch vụ gia công hàng hoá nước ngoài rất đáng suy ngẫm khi phí gia công của hàng dệt may cách đây hai năm dù chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài nhưng số ngoại tệ thu về chỉ là 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may hai năm trước đã là 28,3 USD. Theo đánh giá từ giới chuyên gia, kim ngạch dệt may mang về cho đất nước thực tế rất đáng buồn khi 25 – 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 60 – 70% doanh số, còn khoảng 75% DN Việt Nam chỉ chiếm 30 – 40% doanh số trong khi 85% DN Việt vẫn thực hiện theo phương thức gia công.
Thay vì chỉ chăm chăm gia công cho các công ty nước ngoài, có lẽ cũng nên tham khảo cách biến đổi mới từ chỗ làm thuê thành ông chủ của doanh nhân Việt tại công ty TNHH Phụ liệu may mặc Daiho (trụ sở ở Bình Dương). Công ty này trước đây có tên đầy đủ là Daiho Garment Accessories Co.LTD của Hàn Quốc với bề dày 20 năm hoạt động tại Việt Nam.
Nhưng sau đó, như chia sẻ của ông Phạm Văn Băng, Giám đốc đối ngoại của công ty này, gia đình ông đã quyết định mua toàn bộ Công ty Daiho và biến tất cả hoạt động của công ty này thành một DN 100% vốn Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng phụ liệu dệt may – chuyên sản xuất về nút áo.
Tuy nhiên, cách làm chủ một DN ngoại của gia đình ông Băng vẫn là trường hợp hiếm so với phần lớn các DN nhỏ trong nước còn loay hoay gia công cho các công ty nước ngoài để hưởng phần lợi nhuận ít ỏi.
Như kết quả điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê đã chỉ rõ, hoạt động gia công hàng hóa của các DN Việt Nam cách đây hai năm với sự tham gia của 1.740 DN Việt Nam đã mang lại nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế chỉ 8,6 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Số liệu còn cho thấy, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính gần như DN Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với hai nhóm hàng này.
Làm gia công cho nước ngoài chưa mang nhiều lợi nhuận cho DN Việt |
Bao giờ thoát "kiếp" gia công?
Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty CP sản xuất và thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì dù hội nhập, chúng ta mãi kiếp "làm thuê", lợi thế hội nhập sẽ không còn ý nghĩa.
Có thể thấy, dù khu vực trong nước có cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2017 cho đến nay, nhưng xuất khẩu vẫn do khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chi phối. Động lực tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ khu vực đầu tư nước ngoài.
Một điều tra cho thấy các DN sản xuất hàng may mặc nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công – CMT (chiếm khoảng 65%), phương thức FOB (chiếm 30%) và ODM – thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất (chiếm 5%).
Với kim ngạch XK hàng may mặc của các DN Việt Nam chỉ chiếm 40% trong tổng giá trị XK dệt may trong 8 tháng đầu 2018 đạt gần 20 tỷ USD, giả sử tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/ doanh thu thuần ở mức trung bình là 2% (CMT), 4% (FOB) và 6% (ODM) thì phần lợi nhuận sau thuế các DN dệt may Việt Nam nhận được là khá nhỏ.
Giới chuyên gia cho rằng hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh (ROI) của các DN tư nhân ở Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 1/5 của DN FDI. DN tư nhân trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và phi chính thức, cản trở tăng năng suất nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới, sáng tạo. Mặt khác, quá ít DN tư nhân trong nước có quy mô vừa và quy mô lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tạo.
Đến nay, khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tạo và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sự kết nối giữa họ với các DN trong nước vẫn chưa diễn ra, nhất là ở một số ngành quan trọng, gây cản trở cho tăng năng suất thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý.
Với năng lực của DN tư nhân trong nước còn nhiều hạn chế, rõ ràng nội lực của DN Việt Nam yếu nên không tranh thủ được ngoại lực một cách hiệu quả. Và kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê đã phần nào phản ánh sự nghịch lý này khi "kiếp" gia công sẽ mãi là "làm nhiều hưởng ít", còn phần lớn giá trị sau gia công vẫn mãi thuộc về khối ngoại.
Thế Vinh