Giám đốc một công ty cơ khí trong nước chuyên về sản xuất máy nông nghiệp thừa nhận việc xuất khẩu (XK) các sản phẩm cơ khí của công ty còn khiêm tốn và chưa có đối tác phân phối tại nước ngoài. Ngoài ra, một số lượng ít bán được qua công ty trung gian Việt Nam nhưng hay bị ép giá.
Đa số quy mô nhỏ
Nói thêm về những điểm yếu, vị giám đốc này cho rằng nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí nội hiện nay chưa phân tích, lựa chọn được thị trường XK tiềm năng và chưa thể quảng bá thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Thực tế các thương hiệu máy nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa được biết nhiều tại thị trường quốc tế.
Còn như kinh nghiệm XK sản phẩm cơ khí của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), một trong những yếu tố quan trọng của việc giữ vững thị trường XK và đẩy mạnh XK sản phẩm cơ khí là cần thông qua các nhà phân phối, đại lý.
Đặc biệt, cần thu thập phản hồi của thị trường XK qua khảo sát thị trường để DN có đủ thông tin cải tiến chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng khả năng cạnh tranh về chất lượng và mẫu mã cho các thị trường XK.
Cuối tuần qua, tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế về Máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Việt Nam 2018) ở Tp.HCM, giới chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng cạnh tranh khi XK sản phẩm cơ khí của các DN Việt Nam với đa phần là DN nhỏ và vừa.
Là doanh nhân người Thái Lan, nhưng ông BT Tee, Tổng Giám đốc công ty UBM Việt Nam, cho biết rất quan tâm đến vấn đề liệu các DN cơ khí nhỏ và vừa ở Việt Nam có đủ sức để XK sản phẩm cơ khí hay không.
Ông BT Tee đặc biệt nhấn mạnh về sự ổn định cần thiết các DN nhỏ trong ngành cơ khí Việt Nam, vì những DN này cùng với các DN nhỏ và vừa nói chung sẽ góp phần mang lại sự ổn định cho nền kinh tế Việt Nam.
"Những DN, nhà đầu tư lớn có thể đến rồi đi, nhưng các DN cơ khí nhỏ trong nước sẽ vẫn ở đó và tiếp tục phát triển để có thể XK các sản phẩm cơ khí ra nước ngoài. Thậm chí, những DN cơ khí nhỏ hoàn toàn có tiềm năng để phát triển thành các tập đoàn cơ khí lớn", ông BT Tee nói.
Điều quan trọng ở đây, theo ông BT Tee, là các DN cơ khí Việt Nam cần chịu khó đầu tư vào các máy móc công nghệ mới để sản xuất ra những sản phẩm cơ khí có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường XK.
Các DN cơ khí cần đầu tư máy móc, công nghệ mới |
Nhiều thách thức lớn
Dẫn kinh nghiệm về nền công nghiệp cơ khí hàng đầu thế giới của Đài Loan, ông Tang Ming Hui, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (Taitra) tại Việt Nam, cho biết điều mà các DN cơ khí Việt Nam cần tham khảo là xu hướng phát triển các thiết bị máy móc thông minh và kết nối điện toán đám mây, cung cấp Internet vạn vật (IoT) mà Đài Loan đang XK rất hiệu quả sang nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, nguồn nhân lực là một trong những mặt hạn chế về XK của các DN cơ khí trong nước hiện nay. DN hiện thiếu những nhân sự có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để có thể kết nối với các đối tác. Đội ngũ chuyên môn về XK tại nhiều DN vừa thiếu vừa yếu.
Vấn đề tài chính cũng được cho là rào cản lớn đối với các DN XK cơ khí về cách thức thanh toán, đảm bảo khả năng tài chính của đối tác, nhất là khi DN chưa có nhiều kinh nghiệm về kế toán, pháp luật, tài chính và thị trường người tiêu dùng tại quốc gia XK.
Ông Lê Tuấn Anh, Tổng Giám đốc công ty Cát Thái (một DN cơ khí nội địa tiêu biểu về cung cấp sản phẩm làm khuôn mẫu và các chi tiết cơ khí cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và XK), từng chia sẻ rằng DN phải thể hiện được sự quyết tâm và đồng thời cũng tìm cách chứng minh cho đối tác biết về năng lực sản xuất của công ty mình.
Để đáp ứng đòi hỏi cao từ đối tác, công ty Cát Thái sẵn sàng nhập khẩu dàn máy công nghệ hiện đại từ châu Âu với giá đắt gấp 3 lần bình thường. Trong khi đó, đây lại là điều mà nhiều DN cơ khí trong nước còn e ngại thực hiện vì lo đầu ra hạn hẹp cho sản phẩm đặc thù khi đầu tư thiết bị sản xuất sản phẩm cơ khí cho riêng một thương hiệu.
Cần nhắc lại một thống kê từ cách đây 3 năm đến nay vẫn còn giá trị cảnh báo khi cho biết cả nước có khoảng 3.100 DN cơ khí nhưng đa phần có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, đầu tư công nghệ ở mức trung bình nên tính cạnh tranh sản phẩm không cao, không đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn công nghệ.
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 3/2018, mục tiêu đến năm 2020 có sản lượng XK sản phẩm cơ khí đạt 35% tổng sản lượng của ngành được cho là còn nhiều thách thức lớn.
Đây là thời điểm rất cần sự bứt phá của những DN đầu đàn có chiến lược và sản phẩm chủ lực để dẫn dắt ngành cơ khí Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thế Vinh