Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy trong năm 2016 có 1.740 doanh nghiệp (DN) thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài, trong đó có 1.687 DN nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài và 52 DN gửi nguyên liệu ra nước ngoài thuê gia công.
Chỉ thu được phí gia công
Tổng cục Thống kê cho biết, đã tổ chức thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài của các DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về các nhóm hàng: dệt may, giầy dép, điện tử máy tính, Điện thoại và hàng hóa khác.
Theo đó, tổng phí gia công mà các DN Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 đạt 8,6 tỷ USD.
Phí gia công của hàng dệt may và giầy dép chiếm trọng số lớn nhất trong hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Nhóm hàng dệt may đứng đầu với số ngoại tệ thu về 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công.
Tiếp theo là giầy dép đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công; lắp ráp điện thoại đạt 268 triệu USD, chiếm 3,1%; lắp ráp điện tử máy tính đạt 63 triệu USD, chiếm 0,7%; gia công hàng hóa khác thu được 1,4 tỷ USD, chiếm 16,2%.
Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu (NK) phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch NK; kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch XK.
Trong đó, các DN FDI chiếm trọng số lớn nhất với giá trị hàng hóa sau gia công đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công; nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các DN FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu NK.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá hoạt động gia công tại Việt Nam đang sử dụng đa phần nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu.
Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ giá trị nguyên liệu NK về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao, lên đến 62,3%.
Thậm chí, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như DN Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công.
Ở chiều ngược lại, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2016, tổng số phí các DN Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD.
Trong đó, nhóm hàng điện tử máy tính đạt 6 triệu USD, chiếm 72,5% tổng số phí trả cho đối tác nước ngoài; dệt may là 0,5 triệu USD, chiếm 6,3%; nhóm hàng khác là 1,7 triệu USD, chiếm 21%.
Phí gia công các DN Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 56,2%. Như vậy, ngoài phí gia công trả cho nước ngoài, các DN Việt Nam còn phải trả thêm chi phí cho việc mua nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp. Các đối tác thực hiện gia công, lắp ráp hàng hóa cho Việt Nam chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việc chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp mà chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đã khiến các DN Việt Nam chịu thiệt thòi nhiều bề. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong giai đoạn 2013- 2016, lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng khá nhanh, khoảng 13-15% trước khi giảm xuống còn 7% năm 2017 và 6,5% vào năm 2018.
Trong khi đó, gần một thập kỷ qua, giá gia công trong ngành dệt may (gồm cắt, may, ủi) của một chiếc áo sơ mi hoặc quần jean mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không đổi, thậm chí thấp hơn trong một số trường hợp.
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả |
Chậm đổi mới sáng tạo
Chính vì vậy, ông Eric Sidgiwwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng trong hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam luôn tự hào có tổng kim ngạch XK trên GDP rất cao, nhưng điều quan trọng là DN thu được bao nhiêu giá trị từ kim ngạch này.
"Đơn cử, DN nhập nguyên liệu thô, gia công và đóng gói tại Việt Nam, XK sang các nước khác nhưng cuối cùng Việt Nam có được bao nhiêu giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chính việc thống kê một cách chính xác, cụ thể sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy rõ những hạn chế của mình và từ đó có thể điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp", ông Eric Sidgiwwick phân tích.
Bên cạnh đó, ông Eric Sidgiwwick nhìn nhận, một rào cản khiến DN nội địa chưa thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đó là hạn chế về đổi mới sáng tạo.
Năng lực ở đây không chỉ đơn thuần là chất lượng sản phẩm, mà còn là các giá trị năng lực cạnh tranh và hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Những tiêu chuẩn này sẽ giúp cho những DN chưa kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu sẽ trở thành một DN toàn cầu.
Đánh giá về năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng hầu hết DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên thiếu thốn rất nhiều nguồn lực như vốn, thông tin, trình độ quản lý, thiết bị máy móc… để tham gia các chuỗi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nhiều người nói rằng khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, XK của Việt Nam vào Mỹ sẽ được lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn chủ yếu XK hộ, gia công cho các nước – không phải Trung Quốc, mà là Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàm lượng giá trị gia tăng trên chuỗi giá trị rất thấp, vậy cái lợi của Việt Nam ai sẽ hưởng?
Chưa kể, Việt Nam cần phải tái cấu trúc thực chất nền kinh tế hơn. Đôi khi hàng hóa Việt Nam thua là vì chính sách. Hiện nay, kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Việt Nam hãy thay đổi, cải cách mình trước rồi mới nên nhìn ra bên ngoài xem chiến tranh Mỹ – Trung Quốc đem lại cơ hội gì", ông Trinh thẳng thắn nói.
Lê Thúy
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế Muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, DN phải nâng cao tính chuyên môn hóa các sản phẩm. DN Việt Nam hiện nay thường hay theo đuổi số lượng nhiều hơn hoặc muốn dàn trải nhiều mặt hàng nhằm giảm thiểu rủi ro. Ông Nguyễn Trung Tiến - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ Tổng cục Thống kê Kết quả từ hoạt động gia công giúp Việt Nam thu 8,6 tỷ USD và giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động mỗi năm. Nhưng DN gia công cho nước ngoài chỉ cung cấp được khoảng gần 38% nguyên liệu cho DN FDI, và nhà quản lý DN chỉ học được kinh nghiệm tiên tiến của đối tác để nâng cao trình độ tay nghề. PGs.Ts. Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) Đến nay, Việt Nam chỉ dừng lại ở những việc gia công đơn giản, tạo ra giá trị gia tăng thấp. Chúng ta mới chỉ ở khâu lắp ráp, nguyên phụ liệu thiếu, máy móc, phụ tùng, bán thành phẩm… đều chưa đầy đủ. Giấc mơ trở thành công xưởng của thế giới vẫn còn xa. |