Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seagull ADC), có trang trại trồng dưa lưới hữu cơ 4ha được chứng nhận GlobalGAP ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đang ứng dụng mô hình công nghệ số trong trồng trọt. Trang trại này cho sản lượng 200 tấn dưa lưới/năm, mang lại những hiệu quả tích cực bước đầu cho doanh nghiệp (DN).
Bước vào "đường băng"
Để làm được điều đó, ông Lan phải bỏ ra nhiều tháng sang tận Israel nghiên cứu công nghệ số và nghiên cứu thêm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Nhật.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lan cho biết số vốn để ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp thực ra không quá cao như nhiều người nghĩ, các DN vừa và nhỏ hoàn toàn có thể ứng dụng vào sản xuất.
"Điều quan trọng phải là ý thức của các chủ DN nhỏ. Công nghệ số bây giờ thực sự là rẻ chứ không phải là cái gì cao siêu lắm. Nếu chúng ta tạo ra được môi trường sáng tạo thì sẽ có được công nghệ số "Made in Vietnam" để ứng dụng vào ngành công nghiệp và nông nghiệp một cách hiệu quả", ông Lan bộc bạch.
Hướng đi của công ty Hải Âu có thể xem như một trường hợp đáng khích lệ để các DN nhỏ tham khảo, dù là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm sớm bắt nhịp với chuyển đổi số trong sản xuất.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các DN nhỏ khác ở Việt Nam có mạnh dạn bước vào "đường băng" chuyển đổi số khi có nhiều ngành nghề sẽ bị chịu tác động lớn trong tương lai của CMCN 4.0?
Phân tích về vấn đề này tại hội thảo "Chuyển đổi kinh tế số Việt Nam trong CMCN 4.0" tổ chức ở Tp.HCM ngày 20/9, ông Đào Trung Thành, Giám đốc kỹ thuật của Media Venture Vietnam Group, nhấn mạnh các công ty trưởng thành về số hóa có một nền văn hóa hợp tác và chấp nhận rủi ro cao.
Theo khảo sát hàng năm của Russell Reynolds Assosiates với 2.000 giám đốc điều hành về tác động, cấu trúc, rào cản của chuyển hóa số lên 15 ngành, truyền thông (media), viễn thông, tài chính, bán lẻ, công nghệ là những ngành chịu tác động lớn nhất trong việc chuyển đổi số hóa.
"Đường băng" chuyển đổi số cần các DN nhỏ bước vào |
Không thể thờ ơ
Như cảnh báo của ông Thành, nếu không thay đổi theo xu hướng chuyển đổi số hóa, nhiều DN nhỏ của Việt Nam có khả năng không tồn tại trong vài năm tới.
Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Capgemini, 90% giám đốc DN tin rằng kinh tế số hóa sẽ ảnh hưởng đến ngành của họ. Tuy nhiên, chỉ có ít hơn 15% trong số này đang thực hiện chiến lược số hóa.
Tại Việt Nam, sự năng động của khối DN vừa và nhỏ đóng góp tới 40% GDP và sử dụng tới 51% lao động. Tuy nhiên, sự đóng góp vẫn còn khá nhỏ bé do hàm lượng sử dụng công nghệ còn thấp.
Điều đáng nói là đa phần DN vừa và nhỏ tại Việt Nam còn thờ ơ, khái niệm của CMCN 4.0 đều rất xa vời. Trong khi đó, sự thật là các ngành kinh doanh truyền thống sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nếu không thay đổi, một công ty có thể biến mất trong vài năm nữa.
Giới chuyên gia đưa ra trường hợp điển hình như các DN về giáo dục đào tạo với trường lớp vật lý có thể bị cạnh tranh bởi các cơ sở giáo dục trực tuyến, vận chuyển truyền thống thay bằng vận chuyển kiểu công nghệ, bán lẻ truyền thống thay thế bằng mua sắm online.
"Kỹ thuật số đã trở thành một công cụ chiến lược cạnh tranh của các DN. Nhiều nhận định cho rằng CMCN 4.0 là cơ hội cuối cùng của Việt Nam để không bỏ lỡ chuyến tàu với các nước phát triển khác", ông Đào Trung Thành nhấn mạnh.
Chính vì vậy, các chủ DN nhỏ trong nước cần thay đổi chiến lược tư duy. Một chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả sẽ tạo ra những trải nghiệm ban đầu và lồng ghép những trải nghiệm đó vào trong quy trình chiến lược của DN.
Khi bước vào lộ trình chuyển đổi số, một loạt câu hỏi quan trọng sẽ được đặt ra với các chủ DN nhỏ. Chẳng hạn như: Làm thế nào để kỹ thuật số giúp DN phát triển kinh doanh, xâm nhập thị trường? Việc chuyển đổi này tác động như thế nào đến chuỗi khách hàng, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh quan trọng? Lợi nhuận từ sản phẩm hoặc dịch vụ của DN có từ đâu khi nó bị đe dọa bởi công nghệ số?…
Hơn nữa, như lưu ý của Gs.Ts Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John Von Neumann (Đại học Quốc gia Tp.HCM), với các DN nhỏ và các cơ quan quản lý trên lộ trình chuyển đổi số là cần có cách làm hiệu quả để xây dựng hạ tầng số với sự tham gia của nhiều ngành nghề và phải có khung pháp lý cho hạ tầng số (đặc biệt là về dữ liệu).
Ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc điều hành AVSE Global (một tổ chức phi chính phủ quy tụ các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu), bày tỏ: câu chuyện CMCN 4.0 sẽ ngày càng trở thành những câu chuyện gần gũi, thiết thực hơn với cộng đồng các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam. Họ là những công ty năng động, là môi trường tốt để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Theo ông Vũ Ngọc Anh, nếu dành đủ sự quan tâm và quyết tâm cho CMCN 4.0, các DN nhỏ sẽ biến chuyển nhanh chóng, tạo ra thế hệ các DN lớn tiếp theo để dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam cất cánh.
Thế Vinh