Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội vào chiều 3/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình, đánh giá có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua mà báo chí trong nước và quốc tế và các báo chính thức tại kỳ họp này đã nêu rõ. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. |
Đại biểu Vũ Tiến Lộc kể: Vừa qua, Đại sứ Nhật Bản nói với ông, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản xin hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch đầu tư thì có tới 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết Trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á đang được tập đoàn này xây dựng tại Thủ đô Hà Nội.
Tuần trước, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do VCCI chủ trì tổ chức với sự tham gia của trên 2.200 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá tới trên 11 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Những cơ hội thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Tuy vậy, theo ông Lộc, để đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới, Việt Nam phải nhận diện thật đúng bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng Dự luật về công nghiệp hỗ trợ trình Quốc hội ban hành để thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này.
"Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên các phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng, thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD FDI trong thời gian tới, nền kinh tế cũng sẽ không thể thoát được kiếp gia công. Dựa vào lao động giá rẻ sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Lộc lo ngại.
Nhật Linh