Báo cáo của Chính phủ tại phiên Khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 10, ngày 20/10 cho biết, năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN.
Tín hiệu lạc quan
Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng trầm trọng. Với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, thì đây sẽ là lực hấp dẫn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. |
Việc tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi ông nhậm chức một mặt đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản nhưng cũng kỳ vọng mở ra cánh cửa thu hút dòng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hay như việc Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae - Yong còn được biết đến là “Thái tử” Samsung tới thăm Việt Nam cũng được đánh giá sẽ tạo bước đột phá trong đầu tư của Tập đoàn này vào Việt Nam thời gian tới. Theo nguồn tin từ hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, chuyến thăm của ông Lee dự kiến tập trung vào kế hoạch đầu tư mới của Samsung tại Việt Nam, bao gồm việc xây dựng một nhà máy pin xe điện.
Còn theo nguồn tin từ Nikkei Asia vào tháng trước, Samsung Electronics dự kiến đóng cửa nhà máy sản xuất tivi của hãng tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào cuối tháng 11 và chuyển tới Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Đại diện của Samsung cho biết động thái này nhằm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất của hãng trên toàn cầu.
Với nhà đầu Mỹ, ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành, cơ quan phát triển tài chính Hoa Kỳ (DFC), nhận xét Việt Nam như là "hiện tượng kinh tế" trong suốt 2 thập kỷ qua. Doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy tiềm năng tại Việt Nam, đang xem xét một số dự án trong nhiều ngành như điện khí hoá, giáo dục, ngân hàng, năng lượng, sản xuất chế biến thực phẩm... để tăng gấp đôi nguồn vốn đầu tư.
"Việt Nam đã trở thành "hình mẫu" trong thu hút đầu tư nước ngoài của khu vực", ông Adam Boehler nhận xét.
Sẽ có chiến lược thu hút nhà đầu lớn
Đánh giá về động thái của các nền kinh tế lớn trong quan hệ đầu tư với thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản hay EU thời gian gần đây đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác không chỉ về thương mại, mà còn mong muốn đẩy mạnh đầu tư với Việt Nam. Đây sẽ là điểm tích cực trong thu hút vốn ngoại.
Nói về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, ông Mại cho rằng việc Mỹ, Nhật Bản hay EU muốn rút doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc về nước hay sang nước thứ 3 không phải chủ trương bây giờ mới có, từ đầu thế kỷ XXI đã có chiến lược Trung Quốc + 1, do các doanh nghiệp lo sợ rủi ro.
Tuy vậy, Chủ tịch VAFIE nhìn nhận, đây mới là chủ trương bởi việc dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc là điều không dễ thực hiện. Chưa kể, Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách thu hút đầu tư nước ngoài, có các chính sách ưu đãi hấp dẫn.
"Vì vậy, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang nước thứ 3 là dễ thực hiện nhất. Việt Nam sẽ có cơ hội lớn trong việc thu hút đơn hàng do có chi phí sản xuất cạnh tranh", ông Mại nói.
Điều mà Chủ tịch VAFIE quan tâm nhất là Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều vốn đầu tư mới, đặc biệt là vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước không thực hiện được. Đây sẽ là động lực quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam.
Báo cáo Quốc hội về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhận định cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia thời kỳ COVID-19 sẽ ngày càng gay gắt. Ở Việt Nam, đầu tư nước ngoài đã chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi dịch bệnh, làm trì hoãn quyết định đầu tư mới, tăng vốn hoặc mở rộng đầu tư, làm ảnh hưởng đến kế hoạch dịch chuyển của các công ty đa quốc gia, hoạt động M&A các doanh nghiệp gặp khó khăn, tăng gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, đầu tư núp bóng...
Để đón nhận được làn sóng đầu tư mới, nhất là thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo tham mưu trình Chính phủ, đề nghị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài.
Trong đó, Bộ KH&ĐT sẽ rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Tranh thủ thời cơ, nắm bắt tình hình và kế hoạch hoạt động của một số quốc gia trong việc khuyến khích và hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho rằng Việt Nam cần lựa chọn dự án phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các dự án phải có sức lan tỏa, gắn kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới này.
Lê Thúy