Sáng nay (3/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021.
Gần 10 năm, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa được vận hành thương mại. |
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc xây dựng đường sắt đô thị được coi là giải pháp mang tính then chốt của TP Hà Nội và TP HCM. Hiện một số tuyến đã được triển khai, tuy nhiên đều gặp vấn đề chung là dự án lớn, vốn đầu tư hàng tỷ USD nhưng chậm tiến độ, đội vốn, nhiều lần gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên...
Về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Thường bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ "tháo gỡ các vướng mắc để cuối năm nay vận hành, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân".
"Cần đánh giá, rút kinh nghiệm về việc vay ODA xây dựng đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện vay. Và việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi xây toàn tuyến chứ không phải một đoạn tuyến", ông Thường nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại tình trạng như các dự án này.
"Hiện nay các dự án đường sắt đô thị mới chỉ chú ý về tính khả thi, tài chính, kỹ thuật, ít chú ý tới sự liên kết phát triển không gian đô thị. Vì vậy, các dự án đường sắt đô thị dường như chỉ là một hệ thống nhập khẩu, là phép cộng thuần tuý cho một loại hình giao thông mới" - ông Thường nói và cho rằng để đường sắt đô thị tồn tại và phát triển đúng nghĩa phải tiện dụng, kết nối thuận lợi, thu hút người đi.
Trong khi đó, đánh giá về tình hình kinh tế năm 2020, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội nhắc lại, tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, COVID-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tử vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới như trên.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, Đại biểu Chiến cho rằng chỉ tiêu tăng GDP từ 6 - 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt. Tuy nhiên, Đại biểu cũng lưu ý đến vấn đề kiểm soát tốt hơn chính sách tài khóa, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, cải thiện thể chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển...
Lê Thúy