Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Phạm Trọng Nhân đã nêu 2 vấn đề nóng là: tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và cơ hội đón dòng vốn FDI dịch chuyển.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). |
Đề cập đến giám sát chuyên đề về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, kết quả giám sát không những cho thấy những lát cắt rất nhỏ về thực lực của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn bao quát khá đầy đủ về tương quan vị thế của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài trong hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu như các FTA được ví như “đường cao tốc” thì doanh nghiệp sẽ được trang bị lại để tham gia đường cao tốc này. Kể từ khi tham gia FTA đầu tiên năm 1995, Việt Nam đến nay được đánh giá là hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu về tăng trưởng bao trùm trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam, các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế đã giảm so với nhiều năm trước đó.
"Điều này có phần nào đi ngược lại với nhận định “Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới” hay không? Nếu tỷ lệ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế giảm thì kết quả hội nhập sâu rộng mà chúng ta đánh giá đến từ đâu? Khu vực nào đã và đang khai thác, tận dụng hiệu quả “đường cao tốc” này?", đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, trong khi những nước như Thái Lan, Trung Quốc đã tham gia toàn bộ chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam mới chỉ dừng lại ở khâu cuối cùng là gia công, hoặc xuất khẩu các sản phẩm giày dép, quần áo với nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác. Thời gian gần đây, nhiều nhận định và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất máy tính thế giới khi dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển.
Tuy vậy, đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý, Việt Nam cần tỉnh táo trước nhận định trên, khi biết rằng 3/4 số lượng các bộ vi xử lý được sản xuất tại Mỹ, còn lại ở Ireland và Israel. Trong khi đó, cơ sở ở Việt Nam của Intel chỉ tập trung vào hoạt động kiểm lỗi và đóng gói. Điều này cho thấy chúng ta thiếu hẳn công nghệ hiện đại. Do đó, khâu gia công, xuất khẩu giày dép, quần áo đến kiểm lỗi, đóng gói chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng giá trị sản phẩm đó, rất cần câu trả lời.
Đặt trường hợp trong vài năm nữa, khả năng nội lực hóa của chúng ta cao hơn thì vấn đề cốt lõi là liệu chúng ta có thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu được hay không khi các FTA thế hệ mới mang cả hệ sinh thái vào Việt Nam? Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và có thể mong đợi gì vào thị trường xuất khẩu?
Đặt ra các câu hỏi này, đại biểu Phạm Trọng Nhân chỉ rõ, chúng ta không chỉ thiếu công nghệ hiện đại mà còn thiếu cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện, lao động giá rẻ là một trong những động lực tăng trưởng, vậy tiền đề, điều kiện gì để có thể thoát bẫy thu nhập trung bình trong những năm tới?
Một điều quan trọng là trong kịch bản tăng trưởng, chúng ta luôn đặt mình ở thế động và các nước so sánh ở thế tĩnh. Thế nhưng, với thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì khi chúng ta tiến một bước, họ đã tiến nhiều bước quan trọng, mà tỷ trọng đầu tư, đổi mới sáng tạo trong GDP của Australia, Singapore là 2,2%, Trung Quốc là 2,1%, Malaysia là 1,3% so với 0,4% của Việt Nam phần nào củng cố quan điểm trên.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, chúng ta chỉ có thể "vay mượn" sức mạnh của người khác trong thời gian nhất định để "chạy đà". Điều quan trọng phải quay lại, trở về với nguồn lực nội sinh, bởi đây mới chính là tài sản tinh hoa của đất nước. Chưa kể, sau đại dịch COVID-19, thì có nỗi lo khác là tạo thêm điều kiện cho làn sóng "thôn tính" từ các công ty, tập đoàn lớn.
Thịnh vượng chỉ có thể thành hiện thực khi toàn dân đoàn kết, một lòng hướng về khát vọng với những nỗ lực phi thường trong thời gian ngắn còn lại. Sự đoàn kết đó không chỉ trong các cấp lãnh đạo mà còn là câu chuyện tổng hòa, điều phối liên kết nguồn lực nội tại trong nước. Bài học từ Hàn Quốc, Malaysia thành công trong thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn khả năng truyền cảm hứng cho các nước đang tìm con đường phát triển cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhật Linh