Chiều ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân với chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông dân văn minh, hiện đại.
Lắng nghe nguyện vọng của nông dân, HTX...
Mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng đặt vấn đề: Chính phủ, bộ ngành rất muốn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, kiến nghị khó khăn.
Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều việc cần làm, còn nhiều trăn trở để giúp người nông dân thoát khỏi khó khăn. Tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp như cà phê mới có 12%, tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cũng còn nhức nhối...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nhiều nông dân. |
"Chúng ta làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân, suy nghĩ phải làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững", Thủ tướng đặt yêu cầu.
Trước đề nghị của Thủ tướng, nông dân Đỗ Quý Toán (thôn Tân Lập, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk (chuyên sản xuất cà phê chồn), chia sẻ thời gian qua, giá cà phê xuống rất thấp, khiến nông dân nhiều địa phương lo lắng, muốn chặt đi để trồng cây khác. Xin Thủ tướng cho biết, người trồng cà phê có nên tiếp tục duy trì cây trồng gắn với lịch sử, văn hóa của Tây Nguyên hay không?.
Trả lời băn khoăn của nông dân Đỗ Quý Toán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cà phê là mặt hàng chủ lực chiến lược của Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng khuyên bà con nông dân vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng rõ ràng.
Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Đặc biệt, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó là quy hoạch vùng trồng nơi nào phù hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên.
Đối thoại với Thủ tướng, nông dân Trần Thị Hoàng Anh, HTX mật ong Phương Di, xã Ia Der, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), đặt câu hỏi: Làm sao để sản xuất nông nghiệp tốt hơn, làm ra nông sản sạch, an toàn hơn thì thời gian tới đây Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp nào triệt để hơn để chấm dứt tình trạng phân bón giả.
Nông dân Vũ Văn Thủy, HTX NN TMDV Hoàng Nguyên, chia sẻ, cách đây trên 10 năm, Tây Nguyên là miền đất hứa cho người lao động và người dân muốn lập nghiệp khắp mọi miền đất nước tìm đến. Còn bây giờ, người dân ở đây lại kéo nhau đi làm thuê, làm công nhân khắp nơi bởi ở nhà có đất đai, lô rẫy nhưng bỏ hoang vì càng làm càng lỗ... Vì vậy, nông dân mong muốn Chính phủ có những giải pháp để Tây Nguyên tiếp tục là miền đất trù phú, nông dân yên tâm sản xuất.
Tận dụng FTA, tham gia sâu vào chuỗi giá trị
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết hiện nay, cả nước có 125.000 ha gieo trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Điều đó chứng minh rằng nông nghiệp Việt Nam đang vận hành một nền nông nghiệp văn minh, một nền nông nghiệp sạch, ổn định. Tuy nhiên, không phải tất cả đã tốt rồi, còn nhiều chỗ chúng ta cần phải tiếp tục chấn chỉnh, kể cả những đơn vị sản xuất phân bón, kể cả quy trình ứng dụng...
Đồng thời, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng cần tăng cường quản lý của cơ quan quản lý nhà nước giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan và các tỉnh để giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng phân bón cùng các vật tư khác. Đảm bảo Việt Nam không chỉ là cường quốc về sản xuất nông nghiệp sạch, mà còn được biết đến với đất nước có nền nông nghiệp thông minh, sạch, tham gia sâu hơn trong chuỗi nông sản toàn cầu.
Trước câu hỏi làm thế nào để nông sản Việt Nam "được mùa, được giá", người nông dân khấm khá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để đầu tư vào chế biến nông sản. Nhưng quan trọng, muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch.
Về khó khăn tiêu thụ nông sản, nông dân Lầu Sỳ Nịp, thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước băn khoăn, ngành chức năng đã có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận với thông tin thị trường xuất khẩu đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Nông dân chúng tôi, nhất là những nông dân sản xuất quy mô tương đối lớn hiện đang rất thiếu thông tin về vấn đề này. Chẳng hạn như tôi muốn xuất khẩu trái bưởi da xanh, hay các nông dân khác muốn xuất khẩu trái xoài, trái bơ... thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn nào, cơ quan nào hỗ trợ về các thủ tục này?", ông Nịp nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những giải pháp Chính phủ thúc đẩy là xúc tiến, đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA. Phải nói rõ, khi ra các nước, các doanh nghiệp, người dân ghen tỵ với nông dân, doanh nghiệp Việt Nam sao có nhiều nghị định thương mại tự do, được hưởng nhiều ưu đãi như vậy.
Vì vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành tích cực triển khai, cung cấp thông tin về các FTA cho doanh nghiệp và người dân, từ đó có thể tận dụng tốt cơ hội về ưu đãi thuế quan.
Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn vì dịch COVID-19, nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó ở khâu tiêu thụ, nhiều nông dân cũng bày mong muốn Chính phủ có các chính sách hỗ trợ về tín dụng để nông dân có vốn đầu tư, vượt qua giai đoạn này.
Ông Thào Xuân Sùng Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Dịch bệnh COVID-19 chắc chắn sẽ được kiểm soát, thế giới và Việt Nam lại trở về trạng thái bình thường, trong đó, người nông dân lại tiếp tục công việc sản xuất, kinh doanh, cũng như đối mặt với những khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, cần có giải pháp, biện pháp, chính sách khuyến khích nông dân rời bỏ mô hình sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bị động chuyển sang tư duy làm ăn lớn, sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, xây dựng, hình thành các hình thức kinh tế hợp tác, HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Ông Đào Minh Tú Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chính sách hỗ trợ sản xuất cây công nghiệp chủ lực và các cây trồng có tiềm năng ở Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, bơ, cây ăn quả khác hiện vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 55, có sửa lại năm 2018 đã mở ra rất nhiều điều kiện thuận lợi về vay vốn, theo đó bà con không cần tài sản thế chấp vẫn có thể được vay lên đến 3 tỷ. Đi kèm với đó là các chính sách bảo hộ, hỗ trợ rủi ro thiên tai khách quan. Nông dân Phạm Văn Chử Buôn Briêng, xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk Ngoài các cây trồng chủ lực, Tây Nguyên còn có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi. Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy chăn nuôi toàn vùng và có cơ chế để nông dân được hợp tác, tham gia vào chuỗi chăn nuôi của doanh nghiệp. Đặc biệt, sau dịch tả lợn châu Phi, cũng như dịch COVID-19, những người chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn để có thể tái đàn. Chúng tôi mong Thủ tướng có chỉ đạo các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất. |
Nhật Linh