Cách đây 3 năm, tại một hội thảo ở Tp.HCM nhằm lấy ý kiến đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) từng đưa ý kiến là cần đưa phân bón trở thành đối tượng chịu thuế GTGT để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh phân bón và nông dân.
Tác động tiêu cực
Như lý giải của PVFCCo, việc phân bón không chịu thuế GTGT đã dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí.
Điều này dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng nếu không hạch toán vào giá thành sản phẩm, điều chỉnh giá bán đầu ra để bù lại phần nào sự sụt giảm lợi nhuận do thuế GTGT đầu vào bị tính vào giá thành sản xuất.
Cần có chính sách sớm gỡ vướng về thuế GTGT với mặt hàng phân bón. |
Và thay vì được thuyết phục với hai phương án được đưa ra là áp dụng mức thuế suất GTGT cho phân bón là 5% hoặc 10%, PVFCCo có đề nghị xem xét chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%.
Lý do là vì, nếu áp thuế GTGT cho phân bón là 5% hoặc 10% có thể đem lại một khoản thu nhất định cho ngân sách Nhà nước, nhưng ở khía cạnh khác, việc này có thể tác động tiêu cực đến ngành sản xuất phân bón nội địa cũng như thị trường phân bón trong nước và người tiêu dùng cuối cùng là nông dân vẫn phải chịu chi phí cao do thuế suất này khi mua phân bón.
Cần lưu ý là việc mặt hàng này không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ, và DN phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng 5-8%.
Khi đó, giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo, kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể (phân bón chiếm khoảng 40 - 50% chi phí sản xuất nông nghiệp).
Nhắc lại ý kiến đề xuất của PVFCCo từ 3 năm trước là bởi trong tháng 8/2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất GTGT đối với ngành phân bón, bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN sản xuất phân bón trong nước và DN nhập khẩu.
Theo giới chuyên gia, các chính sách gỡ vướng về thuế GTGT sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho các DN phân bón nội địa, tuy nhiên, thời điểm các chính sách được thông qua thì vẫn chưa rõ ràng.
Và nếu hệ thống lại thì sẽ thấy từ năm 2014 đến nay, ngành phân bón đã trải qua những biến động lớn khi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón thay đổi.
Nên sớm gỡ khó
Chẳng hạn như trước năm 2014 luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 còn hiệu lực, với mức thuế suất GTGT là 5% (được khấu trừ thuế GTGT đầu vào) được đánh giá là tích cực.
Nhưng đến tháng 11/2014, khi có luật 71/2014/QH13 về việc sửa đổi Luật thuế GTGT 2014 - 2015 số 13/2008/QH12 thì mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT (không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào). Nhiều ý kiến đánh giá việc này đã gây tác động tiêu cực.
Chính vì vậy nên tháng 1/2017 phía Bộ Công Thương có kiến nghị với Thủ tướng thay đổi luật GTGT. Vào tháng 8/2017 thì Bộ Tài Chính công bố Dự thảo Luật Thuế sửa đổi để lấy ý kiến.
Đến tháng 6/2018 thì Bộ Tài Chính trả lời cử tri về việc sửa đổi thuế Luật thuế GTGT, theo đó phân bón sẽ được xếp vào nhóm thuế GTGT đầu ra 5%. Tháng 11/2018, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Quốc hội khoá 14, dự thảo sửa đổi 6 Luật thuế được trình Quốc hội, tuy nhiên chưa được thông qua.
Rồi vào tháng 5/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 14, Quốc hội đã không đưa ra thảo luận về việc sửa đổi luật thuế này.
Cho đến tháng 5/2020, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam về việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính có cho biết đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế GTGT, trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5% để trình các cấp có thẩm quyền.
Cần nhắc lại, theo phân tích của CTCP chứng khoán FPTS, từ năm 2015 đến nay, phân bón được chuyển từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 đã tạo ra những khó khăn cho các DN sản xuất trong nước.
Do việc thay đổi chính sách thuế này, các DN sản xuất nội địa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất. Điều này cũng tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu với lợi thế cạnh tranh hơn.
Theo giới phân tích, với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế GTGT về mức thuế suất 5% như trước đây, các DN phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của từng DN trong ngành sẽ khác nhau nếu luật sửa đổi được thông qua. Các DN thuộc phân khúc Urê sẽ được hưởng lợi lớn nhất, sau đó là phân lân. Hầu hết các DN NPK sẽ không được hưởng lợi do nguyên liệu đầu vào là phân đơn, có mức thuế suất GTGT bằng phân NPK đầu ra.
Giới chuyên gia cho rằng trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 thì các DN phân bón trong nước đang buộc phải vượt qua khủng hoảng. Do đó, họ rất cần khâu chính sách có động thái sớm gỡ vướng về thuế GTGT với mặt hàng phân bón.
Thế Vinh