Đây là đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025” trong Hội thảo diễn ra sáng 23/9, tại Hà Nội do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.
Xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị
Bàn về nội dung chuyển đổi số, nhiều ý kiến cho rằng, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp không phải bây giờ mới bàn đến, mà nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã sử dụng và ứng dụng trong tưới tự động, truy suất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Flycam, số hóa dữ liệu, điều khiển và giám sát từ xa...
Các đại biểu cho rằng cần hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng công nghệ số để từng bước xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. |
Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp cho các doanh nghiệp, HTX và các hộ cá thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng được thương hiệu và giá trị nông sản. Ứng dụng công nghệ số còn hạn chế được tình trạng giả nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, ứng dụng công nghệ block chain trong truy xuất nguồn gốc nông sản.
Dù biết ưu thế vượt trội và đã được thụ hưởng trong một thời gian nhất định, nhưng chưa nhiều HTX, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài những hạn chế về kiến thức, trình độ thì hạn chế về kinh phí cũng là khó khăn, trở ngại.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, PGS-TS Phạm Quang Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp số cho biết, HTX là khu vực yếu thế nhất trong các khu vực kinh tế của Việt Nam hiện nay, bởi họ đa phần là những nông dân sản xuất nông nghiệp, sinh sống tại các vùng nông thôn, trình độ nhận thức hạn chế và sự thay đổi còn rất chậm. Thời gian qua nhà nước đã có rất nhiều chính sách đễ hỗ trợ khu vực này nhưng các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Theo ông Hà, nguyên nhân là do chất lượng quản lý, điều hành và trình độ của cán bộ quản lý HTX cũng như chất lượng của người lao động còn nhiều hạn chế. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước không thôi, dù có nhiều chính sách thế nào đi chăng nữa, các HTX cũng không thể phát triển được.
“Để tạo cơ hội bình đẳng giữa nông thôn và thành thị, công nghệ số chính là điều kiện để xóa nhòa danh giới này. Bởi vậy, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, bản thân các HTX phải trau dồi kỹ năng, cập nhật kiến thức và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh để phù hợp với xu thế hiện nay”, PGS-TS Phạm Quang Hà nhấn mạnh.
Tăng cường kỹ năng số cho người dân
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 86% người dân nông thôn sử dụng điện thoại di động, tỷ lệ thuê bao sử dụng smart phone chiếm 55%, số thuê bao sử dụng sóng 3G, 4G cũng tương ứng. Hạ tầng kết nối thông tin được cung cấp phổ biến, hạ tầng dữ liệu cũng được đảm bảo. Do vậy, nếu áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ rất thuận lợi.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm này, số xã có điểm phục vụ bưu chính đạt tỷ lệ 94,5%; số xã có dịch vụ viễn thông, Internet đạt 97,8%; số xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn đạt 90,9%; số xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành đạt 94,5%.
“Cơ sở hạ tầng số cung cấp về vùng nông thôn tương đối đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên đa số người dân sử dụng công nghệ số phục vụ việc lướt web, đọc báo và các trang mạng xã hội chứ chưa nhiều người sử dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, bán hàng điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản và nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi”, ông Nguyễn Trọng Đường nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị ngày càng lớn, trong đó chủ yếu tập trung ở giới trẻ, người có trình độ. Điều này đã làm cho khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày càng có xu hướng kéo dãn. Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nhanh chóng xu hướng phát triển xã hội hiện nay…
“Do vậy, việc ứng dụng công nghệ số và kết nối hạ tầng, băng thông rộng để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị là việc làm rất cần thiết để xây dựng làng thông minh, xã nông thôn mới, giúp người dân ứng dụng công nghệ số để bán hàng online, giao dịch trực tuyến…”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói rằng, để đẩy mạnh chuyển đổi số khu vực HTX, nông thôn, nông nghiệp... Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và cả chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ cả về hướng dẫn sử dụng, kinh phí đào tạo và kinh phí lắp đặt, nhất là vùng còn nhiều khó khăn, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, xa và dân tộc thiểu số để nâng cao được chất lượng và kỹ năng sử dụng của người dân để việc chuyển đổi số được thuận lợi, qua đó góp phần tích cực trong nâng cao đời sống và đảm bảo tiến trình xây dựng nông thôn mới thông minh được đảm bảo.
Phạm Duy