Ông Thông Thanh Khánh, chủ sở hữu công ty CP Khánh Sơn (chuyên về chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt gà tại huyện Cần Giờ, Tp.HCM), cho biết đến thời điểm hiện nay, sản phẩm thịt gà do DN trong nước chế biến đang thua trên “sân nhà” vì thị trường sản phẩm thịt gà đang chịu sự chi phối mạnh của các DN có vốn FDI, đơn cử như C.P Group và thịt gà nhập.
Thay đổi chính mình
Theo ông Khánh, các DN nội nhỏ lẻ trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt gà đang hoạt động trong tình trạng thoi thóp. Nếu các DN nội không thay đổi chính mình thì tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh tại Hội nghị liên kết và đối thoại nâng cao chuỗi an toàn thực phẩm từ thịt tại Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM vào cuối tuần qua, ông Khánh cho biết xu hướng hiện nay của thị trường là nhu cầu về gà sạch, chất lượng an toàn, nếu các DN Việt không quan tâm xu hướng này thì sẽ khó tồn tại và có thể cạnh tranh trên “sân nhà”.
Đơn cử như công ty Khánh Sơn đang thực hiện chương trình nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic) và thực tế ngay như tại thị trường Tp.HCM và một số tỉnh, sản lượng tiêu thụ của DN này (cung cấp khoảng 10 tấn thịt gà sạch/tháng) vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Và nếu DN đi đúng hướng, đúng tiêu chuẩn quốc tế thì triển vọng xuất khẩu thịt gà sạch là không xa vời.
Được biết, với nhu cầu lớn nhập khẩu 1 – 2 triệu tấn gà từ các thị trường uy tín như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều DN chăn nuôi, chế biến thịt gà ở các tỉnh phía Nam đang kỳ vọng họ sẽ tự cải thiện các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu cũng như cần có sự hợp tác từ các tập đoàn lớn (chẳng hạn như công ty Koyu & Unitek đã đưa thịt gà Việt sang Nhật) để tổ chức chăn nuôi và chế biến thịt gà sang các thị trường lớn.
Trong bối cảnh khó khăn của sản phẩm thịt nội như hiện nay, nhiều DN trong nước chia sẻ nếu không có sự hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Nhà nước thì DN rất khó làm thịt sạch, bởi lo nhất vẫn là thịt nhập ồ ạt với giá rất rẻ.
Trong khi đó, như chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các DN Việt đang “chập chững” bước vào con đường làm tiêu chuẩn vừa tốn thời gian, tốn chi phí và tốn cả sự kiên trì, mà không phải DN nào cũng yên tâm trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt này khi chứng kiến giá thịt ngày càng rẻ.
“Việc sản xuất theo tiêu chuẩn có chi phí rất cao, nên tôi nghĩ đây là vấn đề lớn nếu như Nhà nước muốn cho thực phẩm thịt của Việt Nam có thể cạnh tranh được. Vì thế, không thể nào không có chương trình hỗ trợ cho DN trong chuyện này”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Ngành chăn nuôi Việt đang quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn an toàn
Còn phải cải tiến nhiều
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 80% các sản phẩm thịt được bày bán tại các chợ truyền thống của Việt Nam, vấn đề về thực phẩm an toàn còn phải cải tiến nhiều.
Còn theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc phát triển kinh doanh trong ngành hàng thực phẩm của công ty Bureau Veritas Việt Nam, tại thời điểm này và trong tương lai, những DN nội chế biến thịt hướng đến xuất khẩu sẽ đi trước trong việc cải thiện các tiêu chuẩn về an toàn theo chuẩn quốc tế.
Bà Hương cho rằng ngành chăn nuôi Việt hiện nay đang quan tâm những tiêu chuẩn như VietGap hay Global Gap cho trang trại hoặc sắp tới là tiêu chuẩn organic.
Về các lò giết mổ hiện tại thì tiêu chuẩn Global Gap chưa có. Tuy nhiên, có những tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) vốn phổ biến thì các DN có thể áp dụng cho trại giết mổ cũng như các nhà máy chế biến thịt nhằm hướng đến định hướng của ngành chăn nuôi Việt là gia tăng xuất khẩu sản phẩm thịt trong thời gian tới.
Dành sự quan tâm lớn đến các DN Việt trong ngành chế biến thịt, ông Johan den Hartog, Giám đốc điều hành tổ chức GMP+International (chuyên cung cấp chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế), chia sẻ: qua tiếp xúc với những DN Việt trong ngành hàng này thấy DN quan tâm và có mong muốn cung cấp sản phẩm thịt có chất lượng cao cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mong muốn, quan trọng hơn là hành động để biến điều đó thành hiện thực.
“Điểm thách thức trong các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam là người nuôi gặp khó khăn trong phần thức ăn chăn nuôi an toàn, nhất là những loại thức ăn bị nhiễm bẩn vi sinh. Các biện pháp về an toàn phải được triển khai từ trang trại. Tuy nhiên, các DN cũng phải nhận thức rằng an toàn là vấn đề của toàn chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi chứ không đơn thuần ở cấp độ trang trại”, ông Johan nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, các chính sách quản lý về an toàn thực phẩm ở Việt Nam phải được triển khai nhiều bước khác nhau trong chuỗi cung ứng hay chuỗi sản xuất. Trong đó bao gồm an toàn về nguyên liệu, đầu vào của trang trại, đó chính là thức ăn chăn nuôi. Cũng nên biết rằng 80% các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất công nghiệp thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tại Việt Nam là nhập khẩu.
Thế Vinh