Trong nhiều loại mặt hàng Trung Quốc giá rẻ nhập vào Việt Nam hiện nay, hàng trăm ngàn tấn sản phẩm đường lỏng bắp (đường lỏng) giá rẻ mỗi năm là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường trong nước.
Đường lỏng này nhập về cảng Tp.HCM có giá khoảng 9.000-12.000 đồng/kg, rẻ hơn đường trắng bán trong nước tùy loại khoảng 2.000-3.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đường trong nước.
Từ phá giá đến ép giá
Điều đáng nói, đường lỏng từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt là 0%, trong khi NK đường trắng trong hạn ngạch chịu mức thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 85%.
Độ ngọt của loại đường lỏng này (với nhiều nghi ngờ về nguy cơ sức khỏe) gấp 1,1 – 1,3 lần so với đường trắng trong nước, do đó chủ yếu để sử dụng sản xuất bánh kẹo, nước ngọt.
Vì vậy nên gần đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có văn bản kiến nghị áp thuế NK 10%-20% đối với đường lỏng chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Theo VSSA, đường lậu, đường lỏng gây khó khăn rất nhiều cho DN trong nước, một số nhà máy đường đã phải đóng cửa vì tình trạng này.
Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực VSSA, đã lưu ý về chiến thuật NK giá rẻ từ Trung Quốc. DN nước này lấy giá rẻ để "đè" ngành sản xuất tại những quốc gia NK nhằm tiến đến kết cục "chết yểu" rồi họ thao túng bán với giá cao hơn.
Việc nhập đường giá rẻ (gồm cả đường lỏng) từ Trung Quốc là một điển hình về chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh. Tức là trong nước họ bán đường thành phẩm với giá cao, nhưng khi mang ra nước ngoài theo nhiều hướng thì lại bán giá rất thấp để phá giá.
Theo ông Dương, nếu họ nhập vào Việt Nam chính ngạch thì chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện, nhưng khổ nỗi lượng đường nhập lậu lại chiếm khá lớn.
Các DN sản xuất hạt điều trong nước cũng đang gặp khó khăn từ tình trạng bán phá giá hiện nay vì các DN "cá mập" nước ngoài đang thao túng thị trường trong nước, tìm mọi cách ép giá.
Theo thông tin mới đưa ra từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giá điều nhân giảm mạnh chủ yếu do sản xuất trong nước tăng trưởng ồ ạt trong thời gian quá ngắn nên các DN tranh bán, nhiều nơi bán bằng giá vốn, thậm chí dưới giá vốn. Các DN điều thấy giá có xu hướng xuống lại càng đua nhau hạ giá bán để sớm "thoát hàng".
Doanh nghiệp nội địa chật vật đối phó hàng ngoại giá rẻ |
Phải giữ chất lượng
Hoặc đáng lo ngại là tình trạng hạ giá để tranh bán của DN xuất khẩu (XK) cá tra. Tại hội nghị toàn thể của hội viên Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VA-SEP) mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, đã cảnh báo về việc có những DN XK cá tra đang tự làm giảm giá trị thông qua việc hạ giá bán. Chính vì việc hạ giá rồi dẫn đến hạ chất lượng, tìm cách này hay cách kia để giảm trọng lượng, để mạ băng hoặc "này nọ"…
"Rõ ràng tính liên kết của các DN cùng ngành hàng còn thiếu chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng hạ giá này. Thương hiệu của chúng ta phải trên cơ sở thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng, thống nhất về mặt quản lý để làm sao thị trường XK tin tưởng vào chúng ta và thống nhất ngay cả về chính sách giá cả thì XK thủy sản mới phát triển được", bà Minh nhấn mạnh.
Theo quan điểm của một DN XK cá tra, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho rằng trước những vấn đề khó khăn trong cạnh tranh hiện nay, bản thân mỗi DN thủy sản phải biết cách tự khắc phục.
Có một số DN vì lý do nào đó buộc phải giảm giá bán và giảm cả chất lượng, nhưng một số DN vẫn tồn tại được bằng giá bán cao nhưng chất lượng tốt.
Do đó, theo ông Văn, tùy các DN chọn giải pháp cho mình, nhưng muốn XK bền vững, DN vẫn phải giữ cho được chất lượng, bởi người mua có thể chịu giá đắt hơn một chút nhưng lại đòi hỏi cao về mặt chất lượng.
Giới chuyên gia lưu ý việc bán phá giá đối với những hàng nhập giá rẻ sẽ khiến cho ngành sản xuất mặt hàng tương tự ở nước NK phải đối mặt với sự cạnh tranh thiếu công bằng và có thể bị mất thị phần. Còn với việc những DN trong nước tranh nhau hạ giá, đồng thời hạ chất lượng sản phẩm để tranh bán, sẽ tạo hệ lụy xấu cho hàng Việt.
Trong cuộc chiến hạ giá và cạnh tranh không lành mạnh, các DN nhỏ hơn thường chịu nhiều thiệt hại vì không bán được hàng. Tuy vậy, ngay cả đối với các DN lớn khi chấp nhận sử dụng chính sách này cũng chịu nhiều sức ép về tài chính do chi phí hoạt động cao.
DN nội khôn ngoan sẽ tập trung vào việc xây dựng dựa vào những lợi thế cạnh tranh riêng của mình.
Thay vì chạy theo giảm giá để tranh bán, các DN nội cần đa dạng về chủng loại mặt hàng, cũng như rà soát các chính sách giá sản phẩm để đối phó chiêu thức cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ.
Việc chiếm lĩnh được bao nhiêu phần trăm thị phần không chỉ từ giá cả mà còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và chất lượng của hàng Việt.
Thế Vinh