Gạo organic, xoài organic, chuối organic, sữa chua sấy… là những sản phẩm mới mà công ty cổ phần Vinamit vừa mới phát triển và đem sang Thái Lan để trình làng tại Hội chợ quốc tế Thaifex 2018 (khai mạc ngày 29/5). Bà Đặng Thị Diễm Thúy, Phụ trách mảng kinh doanh nội địa thuộc Vinamit, cho biết công ty có tổng cộng 16 vị nhưng chỉ mang sang Hội chợ 6 vị đặc trưng nhất ở Việt Nam để giới thiệu đến khách hàng Thái.
Chuộng sản phẩm hữu cơ
"Còn lại những sản phẩm truyền thống trước đây của Vinamit như mít sấy, mít khô hay các sản phẩm sấy dẻo, trong đó xoài sấy dẻo là mặt hàng phổ biến ở Việt Nam, nhưng mình biết qua đây rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp (DN) Thái. Mình muốn tạo sự khác biệt thì phải đem sang những sản phẩm là hàng tự nhiên, không có chất bảo quản, không có đường, nhằm mang đến sức khỏe, nhất là khi ở Thái Lan, họ lại dùng những phẩm màu đó", bà Thúy chia sẻ.
Tương tự, mang theo hai sản phẩm của Trà Vinh đi tham dự Thaifex, Giám đốc công ty TNHH chế biến thực phẩm Năm Thụy, Chủ tịch Hội DN trẻ Trà Vinh Nguyễn Trường Chinh, cho hay: "Tôi tham gia với tư cách là chủ nhiệm Câu lạc bộ đặc sản làng nghề Trà Vinh, cho nên mang theo nhiều sản phẩm thiên nhiên của các đơn vị làm đặc sản trong tỉnh. Đó là tôm khô Tiến Hải, cốm dẹp Trà Vinh để giới thiệu, chủ yếu là thăm dò thị trường Thái".
Còn bà Lê Thanh Diễm, Trưởng phòng kinh doanh, công ty bột thực phẩm Tấn Sang, cho biết đây là lần đầu tiên công ty tham gia hội chợ quốc tế ở Thái. Điều mà DN này mong muốn là được kết nối, làm việc với các nhà phân phối trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh ở Thái Lan và trong khu vực Đông Nam Á, cũng như thu thập thông tin về nhu cầu thị trường quốc tế để hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác.
Qua thăm dò một số DN Việt (chủ yếu trong mảng hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm) trong những lần đi khảo sát thị trường Thái, nhiều DN ở đây đang có chủ trương tìm kiếm và nhập khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam. Người dân Thái cũng rất thích các sản phẩm đến từ Việt Nam nếu có sự khác biệt đặc trưng, là sản phẩm thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Alice Sim Bee Oui, Giám đốc phát triển công ty Tai Foong USA, chia sẻ trước nay mua gạo của Thái Lan thông qua đối tác CJ để làm đồ ăn tiện lợi, nhưng nguồn gạo Thái không ổn định về một số mặt.
Bà Alice tìm đến gian hàng gạo hữu cơ Việt Nam và đặt vấn đề sẽ làm việc với các DN Việt Nam để qua CJ mua gạo hữu cơ Việt đưa vào trong thành phần đồ ăn tiện lợi của Tai Foong USA.
Các DN Việt tất bật tiếp khách đến tìm hiểu về trái cây hữu cơ tại Thaifex 2018 |
Khác biệt để cạnh tranh
Như quan sát của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, chỉ trong nửa ngày đầu tiên ở Thaifex 2018, các DN Việt rất tất bật tiếp khách đến tìm hiểu về gạo hữu cơ, trái cây hữu cơ và đặc sản thiên nhiên các vùng miền.
Bà Hạnh cho biết nhiều DN đã giới thiệu các nét đặc sắc của Việt Nam và mỗi sản phẩm đều đem đến những sự gia tăng khác biệt. Như sản phẩm hữu cơ vừa là đặc sắc của Việt Nam, còn là công nghệ sản xuất và tiêu chuẩn đặc sắc nhất trong nông sản. Hay chỉ dẫn địa lý là những nét riêng về văn hóa, thổ nhưỡng của các vùng miền…
Hàng Việt hiện có một số sản phẩm nông nghiệp được cho là nổi bật hơn so với các quốc gia trong khu vực trên thị trường Thái. Chẳng hạn như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sữa cho đến trái cây sấy, những sản phẩm chế biến từ dừa, rau quả và đặc biệt là gạo hữu cơ.
Bà Hạnh cho rằng trong thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam, vấn đề sản phẩm xuất khẩu (XK) vào Thái Lan nói riêng hay khu vực nói chung là phải tăng hàm lượng về công nghệ, đưa sức mạnh công nghệ vào các tài sản bản địa. Hơn nữa, hàng Việt vào thị trường này còn cần những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Đây là những tài sản bản địa lớn mà chúng ta chưa có hệ thống quản lý đồng bộ.
Thị trường Thái được cho là đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt đối với hàng XK Việt Nam. Số liệu kim ngạch XK hồi quý I vừa qua cho thấy đã lên tới 1,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước và được đánh giá là một trong những thị trường XK chủ lực đạt kim ngạch trên tỷ USD trong quý đầu năm 2018.
Điểm đáng chú ý trong XK hàng hóa sang thị trường Thái Lan thời gian qua là giá xuất bình quân của nhóm hàng nông sản Việt như hạt tiêu, cà phê, hạt điều đạt ở mức cao.
Để cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn vẫn cần sự hỗ trợ, hợp tác từ những hệ thống siêu thị được sở hữu bởi các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu của Thái Lan (như Central Group, TCC – cũng là những tập đoàn đang chiếm thị phần lớn trong mảng bán lẻ hiện đại tại Việt Nam) nhằm giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, một khi muốn thâm nhập sâu thị trường Thái Lan, các DN Việt hãy khoanh vùng thành phố và các vùng ở Thái Lan mà DN cần làm thị trường. Hơn nữa, DN nên tìm hiểu rõ đối thủ cạnh tranh của mình ở Thái Lan là ai, như thế nào, mạnh ở đâu… nhằm có chiến lược thâm nhập tốt và chọn cách làm phù hợp.
Thế Vinh