Từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của từng địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện đã rà soát, mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lợi ích lâu dài từ lớp học ngắn hạn
Đến nay, nhiều lớp dạy nghề đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như nghề trồng chè Shan tuyết ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa; nghề may, gò hàn ở Sơn Dương; nghề mộc, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp ở Chiêm Hóa; dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi cây, con đặc sản ở Lâm Bình; dạy nghề nuôi cá lồng ở Hàm Yên…
![]() |
Công tác đào tạo nghề ở Tuyên Quang đang phát huy hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Tại xã vùng cao Thượng Nông của huyện Na Hang, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng do nhận thức của các hộ trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi còn hạn chế, nên hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, những năm qua, chính quyền xã Thượng Nông đã tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, thú y… cho người dân.
Anh Nông Văn Vương, ở thôn Bản Gioòng, xã Thượng Nông cho biết, gia đình anh sử dụng máy cày và máy tuốt lúa trong sản xuất nông nghiệp. Trước kia, mỗi khi máy móc hỏng phải đem ra trung tâm huyện sửa rất mất thời gian, lại ảnh hưởng đến thời vụ.
“Sau khi được học lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, tôi đã biết bảo dưỡng, sửa chữa máy nên rất yên tâm, lại chủ động trong sản xuất”, anh Vương chia sẻ.
Theo đại diện UBND xã Thượng Nông, hiện nay, việc đào tạo nghề được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Đặc biệt là việc đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ đó tạo cơ hội cho người lao động sau khi học nghề xong có thể áp dụng ngay những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình.
Gắn học với hành
Tương tự, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Lâm Bình cũng đang phát huy hiệu quả. Anh Chẩu Văn Hiệp, ở thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can chia sẻ, anh từng được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi lợn đen do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở vào năm 2016.
Nhờ những kiến thức đã được học, anh tự tin phát triển chăn nuôi, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, giúp vật nuôi phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh duy trì mô hình nuôi lợn đen từ 60 - 80 con, thu nhập trung bình đạt trên 100 triệu đồng/năm.
![]() |
Các địa phương của tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục kiện toàn công tác dạy nghề để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, cùng với sự phát triển của các sản phẩm thế mạnh, hàng chục HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh được hình thành, góp phần quan trọng trong đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động nông thôn.
HTX cà chua Thành Long ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên là một ví dụ điển hình. Trước đây, người nông dân ở Thành Long vẫn trồng lúa trên cánh đồng Mỏ Vàng thường xuyên bị ngập úng vào tháng 6 và tháng 7 dẫn tới hay mất mùa.
Trước thực trạng trên, HTX Thành Long được địa phương chọn làm điểm để hỗ trợ người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau thời gian thử nghiệm, cây cà chua cho thấy sự thích nghi rất tốt.
Nhằm nâng cao giá trị cây trồng mới, HTX đứng ra tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn để trang bị kiến thức, quy trình kỹ thuật cho thành viên, người trồng cà chua trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn huyện Hàm Yên hiện có 40 HTX. Cùng với dạy nghề, tạo việc làm, các đơn vị đang phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang có kết quả tích cực. Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, toàn tỉnh đã có trên 39.000 người được hỗ trợ học nghề. Trong đó, số lao động có được việc làm đúng nghề sau đào tạo chiếm gần 80%.
Với thành công đang có, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, có văn bằng chứng chỉ là 30%.
Để hoàn thành mục tiêu, các cấp, ngành, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả công tác đào tạo nghề mang lại.
Tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện việc đào tạo gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới, xã vùng sâu, vùng xa…
Hưng Nguyên